30 năm và 4000 năm

Hôm nay, 17/2/2009, là ngày kỷ niệm 30 năm cuộc chiến biên giới phía Bắc. Khi cuộc chiến tranh này nổ ra, mình còn tí xíu nên chưa biết gì. Với những người trẻ như mình, sự kiện này là một mốc lịch sử nữa trong cuộc trường kỳ chống ngoại xâm suốt 4000 năm qua của dân tộc Việt. Những chiến thắng hào hùng luôn đi cùng những đau thương, hy sinh, mất mát. Xin nghiêng mình trước những người đã ngã xuống để giữ từng tấc đất quê hương!

Ảnh: Tuổi Trẻ

Dưới đây là lượm lặt một số thông tin và bài viết về cuộc chiến vệ quốc này trên Internet.

Chiến tranh biên giới Việt – Trung trên Wikipedia
http://tinyurl.com/biengioi1979

Biên giới tháng Hai – Bài trên blog của nhà báo Huy Đức
http://blog.360.yahoo.com/blog-_Q78P6g5br89WVUa77qC3PG4?p=7655

Cuộc chiến 1979 và Hoàng Sa – Blog Huy Đức
http://blog.360.yahoo.com/blog-_Q78P6g5br89WVUa77qC3PG4?p=7768

Chiến tranh biên giới phía Bắc – Thông tin trên Diễn đàn Quân sử Việt Nam
http://www.quansuvn.net/index.php?topic=1209.0

Hình ảnh cuộc Chiến tranh Biên Giới – Việt-Trung 1979-1989
http://www.tagvn.com/Lich-su-Viet-Nam/Hinh-anh-cuoc-Chien-tranh-Bien-Gioi-Viet-Trung-1979-1989/

Chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 và 1984 – Trên box “Giáo dục quốc phòng” của mạng Trái tim Việt Nam Online
http://www9.ttvnol.com/gdqp/476742.ttvn?v=2l6hron11120notpx0vi

Chuyên đề: 30 năm cuộc chiến biên giới trên BBC tiếng Việt
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/indepth/cluster/2009/02/090210_border_war_1979.shtml

BBC tiếng Việt

Cắm mốc biên giới mới cuối năm 2008 tại Cao Bằng. Ảnh: BBC tiếng Việt

Cái này tha bên Yahoo blog về. Bonus bài “Chúng ta đang bỏ quên những giấc mơ” bên Tuần  Việt  Nam của  VietnamNet.

Có những đứa trẻ ngủ không biết mơ.
Có những đứa mơ giấc mơ người khác.
Nhiều đứa mơ theo chương trình cài đặt.
Không ai mơ giấc mơ riêng mình.

Ông Tiên bị bỏ quên,
Thẫn thờ ôm muôn ngàn điều ước.

in Soul | 99 Words

Nói với tôi

Vài dòng khai phím. Hy vọng năm 2009 mình sẽ đỡ lười hơn và viết khỏe.

Thế giới đang đổi thay mạnh mẽ. Toàn cầu hóa và công nghệ đang dần xóa bớt những rào cản và tạo ra cơ hội công bằng hơn cho tất cả quốc gia đi đến phồn vinh và thịnh vượng.

Nếu mình muốn đất nước phát triển, “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”, thì tiên quyết phải cố gắng hơn nữa. Thanh niên ở các nước phát triển thụ hưởng một nền tảng giáo dục, tri thức, khoa học, công nghệ tiên tiến vượt bậc so với chúng ta. Họ cũng được rèn luyện kỹ năng tốt hơn, làm việc và học tập năng suất, chăm chỉ hơn. Hình ảnh các bạn học sinh, sinh viên đọc sách, lướt web trên xe bus, tàu điện ngầm là quá bình thường ở Tokyo, New York, London, … Thậm chí, các bạn thanh niên đi du lịch theo kiểu “Tây ba-lô” ở nước mình cũng luôn có vài cuốn sách kè kè bên người.

Họ làm việc 8 tiếng, 10 tiếng, 12 tiếng, thậm chí 18, 20 tiếng mỗi ngày. Nếu chúng ta chỉ giới hạn giờ làm việc của mình trong 8 tiếng (thậm chí ít hơn) thì liệu chúng ta có theo kịp họ không? Muốn tích lũy được tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng bằng họ, rõ ràng chúng ta phải cố gắng hơn họ 2, 3, … 10 lần. Nghĩa là phải làm việc và học tập mỗi ngày 10 tiếng, 14 tiếng, thậm chí 18 đến 20 tiếng đồng hồ. Thế thì may ra đến một lúc nào đó chúng ta mới theo kịp các bạn trẻ ở các nước phát triển. Bị tụt hậu, chúng ta phải chạy, đuổi, tốc hành … chứ không thể nhẩn nha mà hy vọng theo kịp đối thủ được!

Nền tảng tri thức, kỹ năng và kinh nghiệm của xã hội là tập hợp nỗ lực của mỗi cá nhân và nền tảng này sẽ tạo đà cho các thế hệ sau. Nếu mỗi chúng ta không góp thêm những viên gạch để nâng nền tảng này lên, liệu chúng ta có quyền phê phán con cháu chúng ta trong tương lai không? Hay chính con cháu chúng ta cũng sẽ không cố gắng vì họ nhìn vào gương của chúng ta? Hoặc chính con cháu sẽ phê phán thế hệ chúng ta vì đã để lại một nền tảng quá thấp kém! Vì vậy, việc nỗ lực của thế hệ hiện tại không chỉ phục vụ sự phồn vinh và hạnh phúc của mỗi người chúng ta mà còn tạo thế đi lên cho tương lai các thế hệ mai sau. Chính những thế hệ trước của người Nhật Bản, người Hàn Quốc, người Singapore, … đã làm việc hết mình, hy sinh rất nhiều để đất nước họ có ngày hôm nay và các thế hệ con cháu tự hào về những gì cha ông họ đã làm. “Hy sinh đời bố, củng cố đời con” – chả phải tổ tiên chúng ta đã dạy thế sao?

Chúng ta có hai lựa chọn: Hoặc là bằng lòng tận hưởng sự vui vẻ và chấp nhận là người dân của một đất nước nhược tiểu. Hoặc là chúng ta đốt cháy mình để đi, chạy nhanh hơn. Đừng đổ lỗi cho các thế hệ trước và cũng đừng hy vọng các thế hệ sau sẽ làm thay việc của chúng ta!

Mở thêm ngõ cho Đông Nam Á?

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan thời gian vừa qua với việc hai sân bay ở Bangkok bị tê liệt đã ảnh hưởng không nhỏ đến giao thương trong khu vực. Hàng trăm ngàn người bị mắc kẹt tại hai sân bay. Hàng trăm chuyến bay bị hủy bỏ. Những ai phải di chuyển bằng đường hàng không trong thời gian này mới cảm thấy sự khổ sở.

Không chỉ người Thái thấy bức bối – hàng chục ngàn người “đi nhờ” lối ngõ Bangkok cũng bực bội không kém. Chuyến đi Kathmandu của mình tí nữa thì không thành. Thế nhưng dù đến phút chót vẫn “chui rào” đi ngõ nhà khác, chuyến đi chẳng phải suôn sẻ tẹo nào. Cơ sự này kể ở phần khác vậy. Mục này nói chuyện “đại sự” tí.

Hôm nọ kêu ca chuyện các bạn Thái biểu tình lăng nhăng quá, ông bạn đồng nghiệp bảo, thực ra bởi vì Bangkok đã trở nên quan trọng thái quá đổi với khu vực. Chợt nghĩ, nếu đóng vai trò là trạm trung chuyển của Đông Nam Á, tại sao không là Kuala Lumpur, Singapore, hoặc Hà Nội nhỉ? Chắc có lẽ các bạn Thái làm du lịch thành công quá, kéo hết các hãng hàng không về. Nếu vậy thì ngành công nghiệp sung sướng (và không khói, he he) có công lớn thật!

Bên trong sân bay Suvarnabhumi (Bangkok, Thái Lan)

Bên trong sân bay Suvarnabhumi (Bangkok, Thái Lan)

Bây giờ thử xem nếu Việt Nam muốn thành cửa ngõ hàng không của khu vực thì cần làm những gì? Dĩ nhiên là loại trừ khả năng dùng chiêu sung sướng rồi.

  • Đầu tiên chắc chắn là phải mở rộng sân bay và nâng cao dịch vụ. Món dịch vụ thì đề nghị mở vô số lớp học cười và nói “Thank You”. Thậm chí đếch cần nói tiếng Anh – các bạn Thái vẫn cứ “Sawasdee” với “Khub khun kha” mà khách vẫn nhe răng cười đáp lại đấy thôi!
  • Mở cửa ngõ thì phải mời khách đến: chèo kéo các hãng hàng không và các em tiếp viên xinh đẹp, các hãng lữ hành, v.v.
  • Xây thêm một cơ số khách sạn gần sân bay. Trạm trung chuyển thì cần có chỗ cho khách ngủ qua đêm nếu cần chứ! Ngõ rộng mà nhà chật thì hóa ra dở hơi à?
  • Khuyến khích, ưu đãi các tổ chức của LHQ và các tổ chức quốc tế mở văn phòng tại VN. Có thể cấp đất cho UN xây dựng khu văn phòng riêng cho các tổ chức con. Hôm trước thấy các bạn UNDP đang mời thầu xây dựng khu nhà xanh trên The Economist – chắc là khu UN đây?
  • Tổ chức hội chợ, triễn lãm quốc tế, … bét nhè.
  • Tạo điều kiện tối đa, thuận tiện, dễ dàng cho các tổ chức Việt Nam và quốc tế tổ chức các hội nghị, hội thảo quy mô vùng và quốc tế tại VN. Hiện tại vụ này còn khá phức tạp. Các tổ chức của Việt Nam cũng thừa sức làm các hội thảo hoành tráng và ngon lành như các bạn khác. Nhưng mà nghĩ đến thủ tục là ngán rồi.

Một khi cửa ngõ đã mở, điều kiện thuận lợi, lưu lượng khách đến với Việt Nam sẽ tăng lên, kéo theo nhiều ngành dịch vụ phát triển theo. Đơn giản như là số việc làm tại sân bay, số cửa hàng và nhà hàng – cứ nhìn các bạn Thái bán hàng từ ngoài cổng đến tận cửa sân bay (thậm chí cả trên máy bay) mới thấy họ cố gắng “vét túi” khách như thế nào. Về nhìn Nội Bài đìu hiu mà buồn ….

Một góc sân bay Nội Bài

Một góc sân bay Nội Bài

Nếu dịch vụ tốt thì việc khách đến Việt Nam làm việc rồi tranh thủ vu vi thêm ít ngày là chuyện thường. Như vậy thì các bác làm du lịch, ăn uống, shoppping, mát-xa, karaoke, … tha hồ hốt bạc. Bà con nông dân khéo tay có thể chuyển sang làm quạt, làm nón, dệt lụa, v.v. và v.v. để phục vụ công cuộc “vét túi” du khách. Ha, kể ra thì nhiều tác dụng phụ lắm!

Là cửa ngõ của khu vực, Việt Nam cũng sẽ nâng cao vị thế và uy tín của mình trong cộng đồng quốc tế. Quan trọng hơn là bà con nhà mình muốn đi đâu cũng thuận tiện. Thêm nữa, nếu các bạn người ngoài lếu láo, mình dọa: “Bố mày rào ngõ luôn bây giờ!”. Khối bọn sợ chết khiếp.

Nhưng mở ngõ rộng hơn, như ở quê mình vẫn hay nghĩ, nhiều người lại cứ sợ trộm vào!

Cái bệnh lười

Lâu lâu chạy vào “nhà” mình ngó một phát xem có ai “bêu riếu” gì không. Hoặc là xem có được bao nhiêu “khách” rồi. Có lần xem mấy cái thống kê của WordPress.com thấy có tháng blog của mình lọt vào “Top 100 Vietnamese blogs”. Ha ha … khiếp quá đi thôi!

Lazy Cat

Nghĩ đi nghĩ lại thấy mình lười kinh khủng. Đã “chót dại” lập ra cái blog rồi để đấy, không ngó ngàng gì, không chăm sóc gì. Thế này chẳng khác gì tán được một em xong để đấy làm người yêu hờ. Hờ hờ … so sánh thế đấy. Đúng thì đúng thật nhưng các em vào đây đọc có khi mình vỡ mồm 🙂

Chung quy lại là tại các bệnh lười. Lười kinh khủng. Lười đến mức nghĩ ra dào dạt đủ thứ trên đời, đủ thứ nghĩ suy, đủ thứ ngôn từ hay ho … xong đâu đấy cũng chẳng thèm viết lại, chẳng thèm type cho vào máy tính hay lên blog. Thế thì nghĩ làm quái gì nhỉ? Nghĩ lắm hao nơ-ron, tốn cà phê, tốn thuốc lá thôi! Nhiều khi thấy phí, quá phí!

Không biết y học hiện đại đã có thuốc nào chữa bệnh lười chưa? Hay thôi thì thuốc Nam cũng được. Kiểu thuốc nào mà uống vào sau đó mình hoạt bát hẳn lên. Mỗi khi cái đầu nghĩ gì là tay phải múa loạn xạ để ghi lại ấy. Thế thì mới khỏi phí công nghĩ, phí công uống cà-phê, phí công đốt thuốc …

Nhưng mà lỡ lúc mình nghĩ bậy thì sao nhỉ?

Với con

Thạch Quỳ

Con ơi con thức dậy giữa ngày thường

Nghe chim hót đừng nghe mê mải quá

Qua đường đất đến con đường rải đá

Cha e con đến lớp muộn giờ

Con ơi con nàng Bạch Tuyết trong mơ

Không thể nào yêu con thay mẹ được

Vì thế nên nếu khuy áo con bị đứt

Thì nói lên để mẹ khâu cho

Con ơi con trên ấy ngân hà

Có thể rồi con sẽ lên đến được

Nhưng đêm nay thì con cần phải học

Bốn phép tính cộng trừ hoặc đọc một trang thơ

Con ơi con nếu thầy giáo dạy con

Có ánh sáng bảy màu trong ánh sáng

Thì con hỡi hãy khêu đèn cho rạng

Ngọn bấc đèn con hãy vặn to lên

Con ơi con trái đất thì tròn

Mặt trăng sáng cũng tròn như đĩa mật

Tất cả đó đều là sự thật

Nhưng cái bánh đa tròn, điều đó thật hơn

Mẹ hát lời cây lúa để ru con

Cha cày đất để làm nên hạt gạo

Chú bộ đội ngồi trên mâm pháo

Bác công nhân quai búa quạt lò

Vì thế nên lời cha dặn dò

Cũng chưa hẳn đã là điều đúng nhất

Cha mong con lớn lên chân thật

Yêu mọi người như cha đã yêu con!

Lịch sử nước ta

Hồ Chí Minh

 

Dân ta phải biết sử ta.

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.

Kể năm hơn bốn ngàn năm

Tổ tiên rực rỡ, anh em thuận hoà.

Hồng Bàng là tổ nước ta

Nước ta lúc ấy gọi là Văn Lang

Thiếu niên ta rất vẻ vang

Trẻ con Phù Đổng tiếng vang muôn đời.

Tuổi tuy chưa đến chín mười

Ra tay cứu nước dẹp loài vô lương.

An Dương Vương thế Hùng Vương

Quốc danh Âu Lạc cầm quyền trị dân.

Nước Tàu cậy thế đông người

Kéo quân áp bức giống nòi Việt Nam

Quân Tàu nhiều kẻ tham lam

Dân ta há dễ chịu làm tôi ngươi?

Hai Bà Trưng có đại tài

Phất cờ khởi nghĩa giết người tà gian

Ra tay khôi phục giang san

Tiếng thơm dài tạc đá vàng nước ta

Tỉnh Thanh Hoá có một bà

Tên là Triệu Ẩu tuổi vừa đôi mươi.

Tài năng dũng cảm hơn người

Khởi binh cứu nước muôn đời lưu phương.

Phụ nữ ta chẳng tầm thường

Đánh Đông, dẹp Bắc làm gương để đời.

Kể gần sáu trăm năm giời

Ta không đoàn kết bị người tính thôn.

Anh hùng thay ông Lý Bôn

Tài kiêm văn võ, sức hơn muôn người.

Đánh Tàu đuổi sạch ra ngoài

Lập nên triều Lý sáu mươi năm liền.

Lý Phật Tử ngu hèn

Để cho Tàu lại xâm quyền nước ta.

Thương dân cực khổ xót xa

Ông Mai Hắc Đế đứng ra đánh Tàu.

Vì dân đoàn kết chưa sâu

Cho nên thất bại trước sau mấy lần.

Ngô Quyền quê ở Đường Lâm

Cứu dân ra khỏi cát lầm ngàn năm.

Đến hồi thập nhị sứ quân

Bốn phương loạn lạc, muôn dân cơ hàn.

Động Hoa Lư có Tiên Hoàng

Nổi lên gây dựng triều đàng họ Đinh.

Ra tài kiến thiết kinh dinh,

Đến Vua Phế Đế chỉ kinh hai đời.

Lê Đại Hành nối lên ngôi

Đánh tan quân Tống, đuổi lui Xiêm Thành.

Vì con bạo ngược hoành hành

Ba đời thì đã tan tành nghiệp vương.

Công Uẩn là kẻ phi thường

Dựng lên nhà Lý cầm quyền nước ta.

Mở mang văn hoá nước nhà

Đắp đê để giữ ruộng nhà cho dân.

Lý Thường Kiệt là hiền thần

Đuổi quân nhà Tống, phá quân Xiêm Thành.

Tuổi già phỉ chí công danh

Mà lòng yêu nước trung thành không phai.

Họ Lý truyền được chín đời

Hai trăm mười sáu năm giời thì tan.

Nhà Trần thống trị giang san,

Trị yên trong nước, đánh tan địch ngoài,

Quân Nguyên binh giỏi tướng tài:

Đánh đâu được đấy, dông dài Á, Âu,

Tung hoành chiếm nửa Âu châu

Chiếm Cao Ly, lấy nước Tàu bao la,

Lăm le muốn chiếm nước ta

Năm mươi vạn lính vượt qua biên thuỳ,

Hải quân theo bể kéo đi,

Hai đường vây kín Bắc Kỳ như nêm.

Dân ta nào có chịu hèn

Đồng tâm hợp lực mấy phen đuổi Tàu.

Ông Trần Hưng Đạo cầm đầu,

Dùng mưu du kích đánh Tàu tan hoang.

Mênh mông một dải Bạch Đằng

Nghìn thu soi rạng giống dòng quang vinh,

Hai lần đại phá Nguyên binh,

Làm cho Tàu phải thất kinh rụng rời.

Quốc Toản là trẻ có tài,

Mới mười sáu tuổi ra oai trận tiền

Mấy lần đánh thắng quân Nguyên

Được phong làm tướng cầm quyền binh nhung.

Thật là một đấng anh hùng.

Trẻ con Nam Việt nên cùng neo theo.

Đời Trần văn giỏi võ nhiều

Ngoài dân thịnh vượng trong triều hiền minh.

Mười hai đời được hiển vinh,

Đến Trần Phế Đế nước mình suy vi.

Cha con nhà Hồ Quý Ly,

Giết vua tiếm vị một kỳ bảy niên.

Tình hình trong nước không yên,

Tàu qua xâm chiếm giữ quyền mấy lâu,

Bao nhiêu của cải trân châu,

Chúng vơ vét chở về Tàu sạch trơn.

Lê Lợi khởi nghĩa Lam Sơn,

Mặc dầu tướng ít binh đơn không nàn.

Mấy phen sông Nhị núi Lam,

Thanh gươm yên ngựa Bắc, Nam ngang tàng.

Kìa Túy Động nọ Chi Lăng,

Đánh hai mươi vạn quân Minh tan tành.

Mười năm sự nghiệp hoàn thành,

Nước ta thoát khỏi cái vành nguy nan.

Vì dân hăng hái kết đoàn,

Nên khôi phục chóng giang san Lạc Hồng.

Vua hiền có Lê Thánh Tôn,

Mở mang bờ cõi đã khôn lại lành.

Trăm năm truyền đến cung hoàng,

Mạc Đăng Dung đã hoành hành chiếm ngôi.

Bấy giờ trong nước lôi thôi,

Lê Nam, Mạc Bắc rạch đôi san hà,

Bảy mươi năm vạn can qua

Cuối đời mười sáu Mạc đà suy vi.

Từ đời mười sáu trở đi,

Vua Lê, chúa Trịnh chia vì khá lâu

Nguyễn Nam Trịnh Bắc đánh nhau,

Thấy dân cực khổ mà đau đớn lòng.

Dân gian có kẻ anh hùng,

Anh em Nguyễn Nhạc nổi vùng Tây Sơn,

Đóng đô ở đất Quy Nhơn,

Đánh tan Trịnh, Nguyễn cứu dân đảo huyền

Nhà Lê cũng bị mất quyền,

Ba trăm sáu chục năm truyền vị vương.

Nguyễn Huệ là kẻ phi thường

Mấy lần đánh đuổi giặc Xiêm, giặc tàu,

Ông đà chí cả mưu cao,

Dân ta lại biết cùng nhau 1 lòng.

Cho nên tàu dẫu làm hung,

Dân ta vẫn giữ non sông nước nhà.

Tướng tây Sơn có một bà,

Bùi là nguyên họ, tên là Thị Xuân,

Tay bà thống đốc ba quân,

Đánh hơn mấy trận, địch nhân liệt là.

Gia Long lại dấy can qua,

Bị Tây Sơn đuổi, chạy ra nước ngoài.

Tự mình đã chẳng có tài,

Nhờ tây qua cứu tính bài giải vây.

Nay ta mất nước thế này,

Cũng vì vua Nguyễn rước Tây vào nhà,

Khác gì cõng rắn cắn gà,

Rước voi dầy mả thiệt là ngu si.

Từ năm Tân Hợi trở đi,

tây đà gây chuyện thị phi với mình.

Vậy mà vua chúa triều đình,

Khư khư cứ tưởng là mình khôn ngoai.

nay ta nước mất nhà tan

Cũng vì những lũ vua quan ngu hèn.

Năm Tự Đức thập nhất niên,

Nam Kỳ đã lọt dưới quyền giặc Tây.

Hăm lăm năm sau trận này,

Trung Kỳ cũng mất, Bắc Kỳ cũng tan,

Ngàn năm gấm vóc giang san,

Bị vua họ Nguyễn đen hàng cho Tây !

Tội kia càng đắp càng đầy,

Sự tình càng nghĩ càng cay đắng lòng.

Nước ta nhiều kẻ tôi trung,

Tấm lòng tiết nghĩa rạng cùng tuyết sương.

Hoàng Diệu với Nguyễn Tri Phương,

Cùng thành còn mất làm gương để đời.

Nước ta bị Pháp cướp rồi,

Ngọn cờ khởi nghĩa nhiều nơi lẫy lừng;

Trung Kỳ đảng Phan Đình Phùng

Ra tay đánh Pháp, vẫy vùng một phương.

Mấy năm ra sức cần Vương,

Bọn ông Tán Thuật nổi đường Hưng Yên,

Giang san độc lập một miền,

Ông Hoàng Hoa Thám đất Yên tung hoành.

Anh em khố đỏ, khố xanh,

Mưu khoải nghĩa tại Hà thành năm xưa,

Tỉnh Thái Nguyên với Sầm Nưa,

Kế nhau khởi nghĩa rủi chưa được toàn.

Kìa Yên Bái, nọ Nghệ Anh

Hai lần khởi nghĩa tiếng vang hoàn cầu.

Nam Kỳ im lặng đã lâu,

Năm kia khởi nghĩa đương đầu với Tây.

Bắc Sơn đó, Đô Lương đây!

Kéo cờ khởi nghĩa, đánh Tây bạo tàn.

Xét trong lịch sử Việt Nam,

Dân ta vốn cũng vẻ vang anh hùng.

Nhiều phen đánh Bắc dẹp Đông,

Oanh oanh liệt liệt con Rồng cháu Tiên.

Ngày nay đến nỗi nghèo hèn,

Vì ta chỉ biết lo yên một mình.

Để người đè nén, xem khinh,

Để người bóc lột ra tình tôi ngươi !

Bây giờ Pháp mất nước rồi,

Không đủ sức, không đủ người trị ta.

Giặc Nhật Bản thì mới qua;

Cái nền thống trị chưa ra mối mành.

Lại cùng Tàu, Mỹ, Hà, Anh,

Khắp nơi có cuộc chiến tranh rầy rà.

Ấy là nhịp tốt cho ta,

Nổi lên khôi phục nước nhà tổ tông.

Người chúng ít, người mình đông

Dân ta chỉ cốt đồng lòng là nên.

Hỡi ai con cháu Rồng Tiên !

Mau mau đoàn kết vũng bền cùng nhau.

Bất kỳ nam nữ, nghèo giàu,

Bất kỳ già trẻ cùng nhau kết đoàn.

Người giúp sức, kẻ giúp tiền,

Cùng nhau giành lấy chủ quyền của ta.

Trên vì nước, dưới vì nhà,

Ấy là sự nghiệp, ấy là công danh.

Chúng ta có hội Việt Minh

Đủ tài lãnh đạo chúng mình đấu tranh

Mai sau sự nghiệp hoàn thành

Rõ tên Nam Việt, rạng danh Lạc Hồng

 

 

 

Dân ta xin nhớ chữ đồng:

Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh !

(Copy từ blog của nhà báo Bùi Thanh)

Mùa hoa cải

Nghiêm Thị Hằng

Có một mùa hoa cải
Nở vàng bên bến sông
Em đang thì con gái
Đợi anh chưa lấy chồng.

Anh rụt rè không dám
Hái một bông cải ngồng
Sợ làm con bướm trắng
Giật mình bay sang sông.

Qua bao mùa hoa cải
Chỉ mình anh biết thôi
Mình anh không dám hái
Hoa cải bay về trời.

Bâng khuâng chiều làng bãi
Không còn hoa cải ngồng
Ai xui anh trở lại
Ngày em đi lấy chồng.

Anh lại gieo hạt cải
Lại âm thầm đợi mong
Có một người con gái
Đợi anh chưa lấy chồng