Beautiful Moments

The beauty of Karate in moments of seconds:

k1

k2

k3

k4


Photos collected from different places on the Internet – I can't remember sources.

Kata và bunkai tuyệt vời!

Giải Paris mở rộng 2012. Đấu kata và bunkai giữa đội Nhật và Ý. Những lời của hai bình luận viên dành cho phần trình diễn của đội Nhật: spectacular, super, brilliant, …

UPDATE: Cái video của bọn truyền hình (có bình luận) bị xóa mất tiêu rồi. Thay bằng video của WKF vậy.

Thợ ảnh thể thao

Hôm rồi vác máy thử làm thợ ảnh thể thao xem tay nghề có khá hơn tẹo nào không. Bấm mỏi tay, nheo đau hết cả mắt được cả rổ ảnh mà chả có mấy cái thật ưng ý. Hôm nay ngồi voọc phần chức năng upload file của WordPress cho lên đây ít cái show hàng luôn.

Cái ảnh duy nhất mình có mặt trong cả rổ ảnh. Tác giả dĩ nhiên chẳng phải mình 🙂

Loạt ảnh hành động:

Các nữ võ sĩ thi đấu không kém ai đâu nhé!

Vào trận quyết liệt nhưng ra về giữ lễ đàng hoàng đúng tinh thần võ sĩ đạo.

Kumite và knockouts

Kumite (đấu luyện/thi đấu) là một trong 3K tạo nên Karatedo: Kumite, Kata (quyền), Kihon (kỹ thuật căn bản). Đã đấu thì chuyện knockout vẫn thường xảy ra dù được xem là hợp lệ hay không hợp lệ tùy theo trường phái Karate. Dưới đây là một vài clip các pha knowout đẹp từ các giải đấu.

Kiểu đánh knockout này là hợp lệ với trường phái Full Contact Karate nhưng lại được xem là phạm lỗi ở các trường phái khác. Trong trường phái Full Contact, Kyokushin Karate là hệ phái lớn nhất với tên gọi mang nghĩa "karate chính cống". Tuy nhiên, Full Contact Karate không phổ biến ở Nhật mà được ưa chuộng hơn ở Mỹ (chắc các karateka Mỹ máu chiến hơn).

Full Contact Karate cho phép sử dụng đòn đánh trực tiếp vào đối phương khi thi đấu, không hạn chế cường độ. Khi thi đấu có thể sử dụng hoặc không sử dụng các dụng cụ bảo vệ như mũ, áo giáp, v.v…

Ngoài Kyokushin, Full Contact Karate còn có các hệ phái nhỏ hơn như Shinkarate, Daido Juku Kudo, Zendokai và Karate Mỹ (tổng hợp hổ lốn đủ thứ với cả boxing, kickboxing, …).

Kuro Obi

Được đánh giá là một trong những bộ phim hay nhất về Karate (mình cũng mới xem mấy phim Karate khác là High Kick Girl và bộ 3 phim về Oyama Masutatsu). Phim Nhật, không sử dụng kỹ xảo, quay khá chân thực.

Các diễn viên chính đều là võ sư Karate: vai Taikan do Võ sư Lục đẳng Tatsuya Naka đóng, vai Giryu do Võ sư Ngũ đẳng Akihito Yagi đóng, còn lại vai chú Choei do huyền đai nhất đẳng Yuji Suzuki đóng. Bác Tatsuya Naka cũng thủ vai sư phụ (Sensei) trong phim High Kick Girl (phim này có ông bạn dịch là "Đá cao không mặc pansu". He he).

Bộ phim lấy bối cảnh Nhật Bản những năm 1930. Ba đồng môn Taikan, Giryu và Choei luyện tập tại dojo của sư phụ Eiken Shibahara. Một ngày, sư phụ đột ngột qua đời nhưng chưa kịp trao lại "kuro-obi" (chiếc đai đen của sư phụ đã bạc thếch cùng thời gian) cho chưởng môn xứng đáng trong số ba học trò. Câu chuyện xung quanh cuộc sống và sự ganh đua giữa Taikan và Giryu để dành chiếc kuro obi. Chú Choei bị phế mất 1 cánh tay được Sensei giao nhiệm vụ trao chiếc kuro obi cho người xứng đáng trong hai sư huynh.

Bộ phim thể hiện vẻ đẹp và triết lý của Karate qua lời dạy của Sensei Eiken Shibahara:

"Karate is not about attacking, it's about staving off the attacker."

"All your strengths should bundle and operate from inside. Because you'll mature this way. If you attack you'll never reach the perfection and the highest level of art."

"What's the use in defeating someone weak? Such a victory serves only your arrogance and makes you weaker."

Về chiếc đai đen: "The color black never becomes dirty, the same goes for the belt. The color of the Kuro-Obi is the color of willpower."

Chiếc Kuro-Obi này mượn để chưng diện chụp ảnh 🙂 Đẹp nhưng không thể xịn bằng chiếc đai xù xì, không thêu chữ và bắt đầu từ chiếc đai trắng mỏng lúc nhập võ đường, được bọc dần đai vàng, đai xanh, đai nâu dày dần lên cùng thời gian luyện tập.

Nhất tự vi sư

Lâu lắm rồi, hôm nay mới có số của thầy để gọi, hỏi thăm và báo cáo tình hình. Hôm sau có dịp sẽ ghé vô thăm gia đình thầy ở xứ cố đô.

Bài viết này có một chút liên quan.

**********************

Tâm thức núi

Lê Thanh Phong

 

Bạch Mã cách Huế 40 km về phía nam. Dáng núi sừng sững, cao ngất và uy nghi. Với độ cao 1.450m, Bạch Mã có bốn mùa mây phủ, nhìn từ xa đỉnh núi tựa như một chú ngựa trắng khổng lồ đang tung bờm phi về hướng đông.

Đừng cười lớn làm kinh động những vì sao
Bước chân em đi người thợ săn tưởng nhầm con nai con sóc
Không biết là suối là mây hay là tóc
Của em yêu sao má em lại ửng hồng
Mai sau em đi lấy chồng
Còn nhớ không buổi chiều trên đồi Bạch Mã
Hay cũng chỉ như là tất cả
Theo gió bay đi bay đi…

Đó là bài thơ trong chùm thơ viết về Bạch Mã của thầy tôi, võ sư Nguyễn Văn Dũng. Thầy đọc cho chúng tôi nghe vào một chiều trong một thung lũng nhỏ của Bạch Mã, ở đó có chiếc hồ bán nguyệt xinh xinh, chung quanh được viền bằng một vành đai hoa layơn đủ mọi sắc màu; ở đó có chúng tôi – những môn đồ của thầy, hồn nhiên như những “con nai, con sóc”.

Bạch Mã trở nên gắn bó với tôi kể từ khi tôi duyên nợ với bộ môn Karate thuộc Võ đường Nghĩa Dũng ở số 8 Trương Định, Huế. Dạo đó thực tình tôi không thể hiểu vì sao thầy tôi lại yêu và thường nhắc đến ngọn núi ấy đến như vậy; bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thầy đều có nỗi niềm riêng với Bạch Mã: khi thì lo lũ lớn làm xói mòn đường đi, lúc lại mừng vui vì nghĩ rằng mùa này chắc phong lan của rừng Bạch Mã sẽ nở nhiều và đẹp hơn… Dường như giữa ông và Bạch Mã có sự cảm thông riêng không thể lý giải. Có lần tôi hỏi vì sao thầy chọn Bạch Mã làm biểu trưng của Võ đường, thầy nói: “Kẻ nhân thích núi, kẻ trí thích biển”, rồi không giải thích gì thêm. Trong suốt quá trình theo học với thầy, tôi cố gắng để hiểu nhưng rất mù mờ, cái băn khoăn ấy cứ canh cánh trong tôi cho đến hôm được ngồi chứng kiến buổi đàm đạo giữa thầy tôi và nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường ở lữ quán Thanh Niên Đà Lạt dịp mừng thành phố tròn trăm năm. Hai vị luận về thời hoàng kim của Bạch Mã trong những thập niên 30, 40, 50, rồi lụi tàn cho đến ngày hôm nay. Nhiều giai thoại lịch sử, số phận con người liên quan đến ngọn núi này hay và xúc động đến không ngờ. Rồi thầy tôi và nhà văn còn kiến giải nhiều điều về văn hoá nhận thức, văn hoá ứng xử của người phương Đông liên quan tới những hình tượng như tùng, bách, sông và đặc biệt là núi. Có lẽ vừa là bạn tri kỷ với thầy tôi, vừa là bậc tài hoa và uyên bác ở đời nên anh Tường mới hiểu được tâm niệm của thầy tôi khi chọn Bạch Mã làm hình ảnh biểu trưng của Võ đường. Vì vậy trong bút ký Ngọn núi ảo ảnh của anh viết vào cuối năm 1994 có đoạn: “Tôi cùng đi với đoàn võ sinh Karatedo của Nghĩa Dũng Đường trong cuộc hành hương lên Bạch Mã thường kỳ của Võ đường, với mục đích hàm dưỡng nhân cách và lý tưởng hành thế… Họ theo sư phụ lên bạch Mã để ôn luyện võ thuật nhưng chủ yếu là để tu dưỡng tâm pháp được truyền dạy rằng học võ thuật là để không bao giờ cần sử dụng bạo lực. Hoá ra là thế, những giá trị tâm linh bao giờ cũng được hun đúc trên những ngọn núi cao”.

Chuyến đi ấn tượng nhất trong những lần hành hương về Bạch Mã của tôi là đợt thi huyền đai cách đay 13 năm. Lần đó võ sinh của Võ đường đi rất đông nhưng chỉ có bốn người tham dự kỳ thi huyền đai là tôi, Đoàn Dũng – nhân vật sau nầy có công lớn trong việc xây dựng phong trào Karate ở Nghệ An (hiện nay Dũng đang học kiến trúc và mở một Võ đường dạy Karate ở Uc, thi thoảng gọi điện từ xứ sở kanguru về Dũng bao giờ cũng gào lên “Tao nhớ bạch Mã quá”); kế đến là Đào Đức Anh, trong suốt 10 năm từ 1985 đến 1995 Anh giúp thầy tôi nối mạch máu Karate Nghĩa Dũng dọc tuyến miền Trung, từ Quảng Trị ra đến Thanh Hoá; và cuối cùng là Phạm Hoàng Tiêm, sau đợt thi đai đen năm ấy Tiêm nhập ngũ làm anh lính cụ Hồ, mãi cho đến năm 30 tuổi mới kịp làm sinh viên khoa triết trường Đại học Sư phạm Vinh và cùng bạn bè xây dựng phong trào Karate ở thành phố đỏ. Khoá thi của chúng tôi vì ít người nên có ngoại lệ là các môn thi quyền, đấu, công phá đều tiến hành tại Bạch Mã (thông thường thì các môn thi ấy được tổ chức ở Võ đường, Bạch Mã chỉ là nơi rèn luyện và để võ sinh viết bài thu hoạch sau chuyến đi). Buổi chiều thi môn Kata (quyền pháp) trên sân thượng của một ngôi biệt thự đổ nát chỉ còn lại mảnh sân vừa đủ cho chúng tôi đi được các bài quyền. Từ chính diện của ngôi biệt thự, chúng tôi có thể nhìn lớp lớp những dãy núi hùng vĩ nối tiếp nhau chạy dài như những con sóng biển, mây núi phủ xuống bao quanh những mảng tường cụt đầu của khu nhà hoang phế, xoá đi những vết thương đen xỉn và loang lổ đầy dấu ấn của bom đạn chiến tranh.

Chúng tôi mặc võ phục trắng, chìm trong cảnh chiều sương và mây trắng như được hoà nhập cùng với cảnh đẹp linh thiêng và thanh khiết của núi rừng. Theo thứ tự A, B, C, Anh rồi Dũng đi quyền trước. Nhìn Dũng thoăn thoắt rồi chao liệng như một cánh chim trong chiều, tôi lặng đi vì cảm thấy cuộc sống có những lúc lãng mạn và đẹp đến ghê người. “Hắn vốn nổi tiếng là người đi quyền đẹp nhất võ đường mà”, bạn bè thường nói, biết vậy nhưng tôi vẫn thầm thán phục trước sự tài hoa của anh chàng. Bao năm qua rồi, được mục kích rất nhiều cuộc đi quyền của các giải quốc gia, quốc tế, nhưng tôi chưa tìm lại được cảm xúc về cái đẹp của nghệ thuật võ học như khi nhìn Dũng thi quyền chiều hôm ấy. Có lẽ nó đẹp vì trong từng đường quyền có khí phách của rừng sâu, có dáng vẻ tự tại ung dung của núi và có cái tinh khiết vô ngần của gió rừng.

Đêm xuống, núi rừng bí ẩn và uy nghiêm hơn. Khí trời buốt giá như cả một mùa đông từ đâu vừa chụp xuống Bạch Mã. Chúng tôi ngồi quây quần bên bếp lửa rừng, tìm hơi ấm trong mắt nhau, chuyện trò và hát cho nhau nghe bài ca của những đêm không ngủ. Nguyễn Quốc Tuý, chàng sinh viên Trường Đại học Sư phạm Huế , say sưa với những sáng tác mới của anh viết về tình yêu và tuổi học trò. Tuý đã sống những đêm Bạch Mã đầy ắp kỷ niệm, cho nên tôi không ngạc nhiên vì sao sau nầy tốt nghiệp xong Tuý chọn thành phố hoa trên cao nguyên Lang Bian làm quê hương. Ở đó chính anh là người đặt viên gạch đầu tiên cho phong trào Karate phát triển cho đến bây giờ. Cuộc sống hình như luôn được xây nên từ những chuyện tình cờ. Trong đêm Bạch Mã năm ấy tôi cũng như Tuý, không ai nghĩ rằng 10 năm sau sẽ cùng nhau xây dựng phong trào võ thuật ở một nơi xa lắc tận nam Tây nguyên. Rồi chúng tôi cứ hát và đọc thơ cho nhau, cao hứng quá Đoàn Dũng như la lên: “Cô gái ơi anh nhớ em… như con dế trống đi xa, một hôm bỗng nhớ quê nhà gáy chơi”. Dũng dễ thương quá, không biết bây giờ bên trời Tây các thiếu nữ mắt xanh xứ Melbourne có hiểu được nỗi lòng “con dế trống” của chàng trai Việt giang hồ ấy không. Có điều thật lạ là chúng tôi ai cũng yêu thơ, hình như chuyện đánh võ và làm thơ chỉ là một. Nhớ có lần tham dự Giải Karate Toàn quốc ở Hà Nội, trên đường tới nhà thi đấu tôi và Tuý thay nhau đọc thơ cho học trò nghe thật say sưa. Đi đến đấu trường mà phong thái chúng tôi cứ như bước vào một bữa tiệc thơ mà ở đó chỉ có những nàng kiều Hà Nội xinh như mộng.

Bình minh thức dậy sau chúng tôi, với dáng vẻ điệu đàng của một nàng tiên đỏng đảnh. Nàng rắc những hạt nắng vàng lẫn trong sương mờ sưởi ấm cho từng làn hơi nước bồng bềnh toả ra từ những suối khe. Núi rừng tĩnh lặng và trinh nguyên như thể vừa mới được sinh ra và đang tắm gội trong hương thơm của các loài hoa rừng. Mây nhiều vô kể, không biết từ đâu bỗng chốc tràn đến từng cuộn rồi tan ra thành những mảng nhỏ trôi lang thang trên từng mỏm đá, luồn qua vai, qua tóc chúng tôi.

Đến chiều xuôi theo suối Đỗ Quyên, đoạn suối này hai bên có vách đá dựng đứng cho nên bầu trời xanh trong hơn và sâu thăm thẳm. Chưa đến nơi dự định thì mặt trời tắt, chúng tôi tạt vào một chiếc lán nhỏ bên bờ suối nghỉ ngơi và chuẩn bị bữa cơm chiều. Chiếc lán nhỏ đã xiêu vẹo và mục nát, có lẽ đó là công trình của những người thợ rừng từng qua đây. Đêm xuống đom đóm rừng bay ra nhiều vô kể, chưa bao giờ trong đời tôi được nhìn thấy nhiều đom đóm đến như vậy. Hàng ức vạn chú đom đóm bay chớp sáng trong rừng đêm, trên khe suối, như có ai đó đã lùa hết sao trời, thu nhỏ lại rồi vứt vào khoảng không gian nhỏ bé này tạo nên một cảnh thần tiên như chỉ có trong những giấc mơ Từ Thức. Anh sáng từ đom đóm toả ra, ánh sáng lung linh phản hồi từ mặt suối trong vắt, đêm rực rỡ hẳn lên làm nền cho điệu nhạc rừng man dại được cất lên từ tiếng của hàng trăm loài côn trùng.

Sáng sớm trước khi lên đường, thầy vỗ vai tôi đọc mấy câu thơ thay vừa làm để tặng chiếc lán nhỏ:

Ta cảm ơn người che nắng mưa
Túp lều tranh nứa lưa thưa
Giản đơn như là chân lý
Không đón ai mà cũng chẳng đợi chờ.

Những ngày còn lại chúng tôi chọn đỉnh thác Xai Tôi Đó làm trung tâm trại. Thầy tôi giải thích Xai Tôi Đó là cách đọc trại của tiếng xa từ đó. Người dân địa phương cho rằng thác đẹp nhưng đường đến đó xa và hiểm trở quá, ai đó có đến một lần rồi sẽ thôi vì khó có cơ hội gặp lại lần thứ hai nữa. Xai Tôi Đó có độ cao 600m, nhìn từ xa như một dải lụa bạc vắt qua chín tầng mây. Thác này lớn đến nỗi tôi chỉ muốn sáng tạo thêm một từ mới để định danh cho nó bởi vì khái niệm thác không hợp với Xai Tôi Đó chút nào. Sự hùng vĩ của thác đã mang lại ấn tượng tuyệt vời cho những ai có duyên được chiêm ngưỡng nó. Tôi còn nhớ như in lần đi năm sau đó; cùng đi với võ đường tôi là nhóm sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Huế. Trong đoàn có vị giáo sư già. Khi đối diện với thác Xai Tôi Đó, giáo sư sững sờ tựa lưng vào tảng đá lớn nằm trên đỉnh thác, bất động và trầm ngâm nhìn vào khoảng không gian đầy bụi nước được hắt lên từ dòng thác. Giáo sư lặng yên rất lâu rồi đột ngột bật lên hai tiếng: “Phù du”. Thế đấy, trước tiếng thác đổ ầm ào ngàn năm không nghỉ đó, trước cái vô cùng của càn khôn, thì con người dù quyền lực hay thông tuệ đến đâu cũng trở nên bé mọn và quá đỗi mong manh.

Sáng sáng thầy tôi thường dậy sớm, chỉnh tề trong bộ kimono trắng tinh tươm được điểm ngang bằng chiếc đai đen bạc phếch và sờn đi vì năm tháng. Thầy đứng trên tảng đá cao nhất của đỉnh thác, trông về hướng cánh rừng Vĩnh Viễn, dáng thanh thoát như một samurai đã từ lâu thanh tẩy được nỗi sợ hải trong lòng mình. Một dạo, ca sĩ Trung Đức trong một chuyến lưu diễn ở Huế tình cờ nhìn thấy tư thế đứng ung dung của thầy tôi trong lúc đang điều khiển trường võ, thích quá ông đến đánh bạn: “Nhìn anh đứng làm tôi nhớ đến một vị võ sư Karate bạn tôi ở Nhật, ông ấy cũng có dáng đứng như anh”. Đêm ấy ngồi cùng thầy ở nhà hát thành phố nghe tiếng hát của ca sĩ trung Đức với ca khúc Em đi chùa hương, nhìn ánh mắt thầy tôi hướng về sân khấu đầy vẻ cảm thông với anh Trung Đức mà tôi vẫn chưa hết ngạc nhiên vì có những tình bạn được bắt đầu từ dáng đứng của một người và sức “đọc” của người kia.

Một chuyến đi khác, trong đoàn võ sinh chúng tôi có thêm năm Huấn luyện viên Karate của Sở Thể dục Thể thao Hà Nội gửi vào tập huấn tại Võ đường thầy tôi. Đặc biệt còn có Sĩ Sô và Lê Đình Liên, hai nhà nhiếp ảnh tài hoa và đầy cá tính của đất thần kinh. Chúng tôi lên nơi cao nhất của Bạch Mã để nghỉ đêm đầu tiên, đó là ngôi nhà của ông Ngô Đình Cẩn, vị “vua miền trung” của triều đại họ Ngô. Ngôi nhà toạ lạc trên đỉnh đồi cao ngất nên tôi cứ ngỡ như được gần bầu trời hơn, như có thể với tay là chạm được những vì tinh tú trên đầu. Xa xa, biển đông được nạm ngọc bởi hàng vạn ánh đèn của những chiếc thuyền đánh cá trong đêm. Chốc chốc một cánh sao băng vụt qua ngoạn mục rồi lịm tắt để lại một vệt sáng mờ trên nền trời thâm nghiêm. Đêm đó tôi không ngủ được, luồn ra khỏi chăn tôi cố tìm một góc thích hợp để ngắm sao trời. Trong đêm tối tôi nhận ra Lê Đình Liên nằm sấp trên bờ tường đổ, chiếc máy ảnh được lắp vào giá đỡ chếch ống kính lên trời. Như hiểu được ý tôi, Liên nói: “Mình phải cố chụp cho bằng được một bức tia chớp đêm nay, ngay trên đỉnh núi này”. Tiếng Liên nhẹ hững hờ như một chiếc lá chìm trong đêm.

Mỗi người con xa xứ đều có riêng cho mình một hình ảnh thân quen của quê hương để vọng về. Với tôi đó là Bạch Mã. Không như Ba Vì xanh của Quang Dũng hay Núi Đôi của Vũ Cao, Bạch Mã của tôi là máu thịt của tình đồng môn, nghĩa thầy trò, là bao ý tưởng đẹp dung dị nhưng đủ giúp tôi hình thành một nhân cách để bước vào đời. Có những khi nghiêng ngữa thăng trầm, tôi muốn về ngay nơi ấy để được ngâm mình trong không gian của gió núi mây ngàn, của âm vang ngàn năm thác đổ. Với tôi đó là những phút giây cần thiết để thuốc thang lòng mình rồi lại đi vào đời như một cuộc hành hương.

Tình yêu muôn thủa

Karatedo – tình yêu của mình 🙂 Xem mấy clip biểu diễn kata mà không khỏi bồi hồi. Nhớ dojo Đại học Vinh và các đồng môn quá!

Empi – một bài kata mình rất thích. Clip này là Empi theo hệ phái Shotokan.

Còn clip dưới đây là Empi đúng Suzucho Karatedo – hệ phái Karate Việt Nam mà mình học. Phân thế rất hay!

Xem em Rika Usami biểu diễn bài Kosokun Dai quá oai hùng! Gái biểu diễn kata thế này quá đỉnh!