in Khoa học - Science

Ngụ ngôn kinh tế học

Mấy năm trước trên FB lưu truyền một mẩu truyện (ngụ ngôn) kinh tế rất thú vị, gần đây lại được (một số kinh tế gia) nhắc lại. Phải nói ai nghĩ ra truyện này rất thông minh, đáng được đưa vào sách giáo khoa kinh tế bởi nó minh họa rất sinh động nhiều vấn đề kinh tế (vĩ mô). Từ từ tôi sẽ viết về những vấn đề đó, trong bài này tôi chỉ đề cập đến một khía cạnh của mẩu truyện mà rất tình cờ Paul Krugman đã viết mấy năm trước. Đầu tiên tôi xin tóm tắt lại truyện cho những ai chưa biết.
 
Ở một thị trấn nhỏ đang bị suy thoái ông chủ một khách sạn đang ngồi ngáp vì vắng khách. Một vị khách sang trọng bước vào nói ông ta muốn thuê một phòng xin nhất cho mấy ngày làm việc ở vùng này, để lại $100 tiền cọc rồi hẹn chiều quay lại lấy phòng. Khi vị khách vừa đi khỏi chủ khách sạn liền cầm tờ $100 chạy qua cửa hàng thịt bên cạnh trả cho một khoản ông ta nợ hàng thịt cả tháng nay.
 
Ông chủ khách sạn quay đi, chủ hàng thịt cầm đúng tờ $100 đó chạy sang hàng bánh mì trả nợ cho bà chủ bên đó. Đến lượt bà này cầm tờ tiền đi trả nợ cho một anh thợ nề tháng trước đã xây lò nướng bánh cho tiệm. Anh thợ nề có tiền ghé qua nhà một cô gái làng chơi trả tiền mấy lần “mây mưa” vừa rồi. Cô gái cầm tờ $100 chạy đến khách sạn trả nợ tiền phòng cho những lần thuê khách sạn tiếp khách tháng trước.
Đúng lúc đó vị doanh nhân quay lại khách sạn nói ông ta phải đổi kế hoạch không thuê phòng nữa và lấy lại $100 tiền cọc. Như vậy sau một vòng chạy loanh quanh tờ $100 được trả lại cho người chủ ban đầu nhưng trong thị trấn không còn ai nợ ai và các hoạt động kinh tế khởi sắc trở lại. Điều này tưởng chừng như nghịch lý nhưng thực ra như Krugman đã viết, vì nợ của người này là tài sản (asset) của người khác nên trong một nền kinh tế (đóng) “net debt” phải bằng không. Điều này cũng đúng cho thị trấn nhỏ bên trên, “net debt” của thị trấn bằng không trước và sau khi vị khách xuất hiện.
 
Vấn đề của thị trấn là họ không có liquidity để giải quyết nợ nần. Khi ông khách đến khách sạn đặt cọc vô hình chung nền kinh tế của thị trấn được bơm một lượng liquidity trong vòng vài tiếng để các chủ thể tranh thủ trang trải công nợ. Liquidity không phải là tài sản, mỗi chủ thể phải có sẵn asset (là tiền người khác nợ mình) còn liquidity chỉ có chức năng giúp họ chuyển đổi asset của mình để thanh toán liability với người khác.
 
Đến đây hi vọng bạn sẽ liên hệ mẩu truyện trên với vai trò của ngân hàng trung ương bơm liquidity (chứ không phải bơm tiền) vào nền kinh tế mỗi khi nó đình trệ. Đây là một topic lớn tôi sẽ quay lại vào dịp khác, ở đây tôi muốn chỉ ra một điểm mà tác giả của mẩu truyện đã cố tình giấu đi. Nếu thị trấn đó không có liquidity, làm thế nào để nền kinh tế hoạt động trước đó rồi rơi vào tình trạng ai cũng là con nợ của người khác dẫn đến mọi hoạt động đình trệ? Bạn hãy tưởng tượng phần đầu của truyện thế này.
 
Một cự phú của thị trấn nảy ra ý định kinh doanh khách sạn, ông ta sửa lại tòa nhà lớn của mình và bắt đầu đón khách. Khách sạn cho thuê phòng kèm bữa sáng nên chủ khách sạn chạy sang mua chịu $100 của hàng thịt bên cạnh, hứa sẽ trả sau khi có khách thuê phòng. Ông chủ hàng thịt tin bạn và cũng thấy kinh doanh khách sạn sẽ khả quan nên đồng ý bán chịu, thực chất là cho vay $100 bằng hiện vật.
 
Đến lượt ông ta cần bánh mì nên chạy sang tiệm bánh nói bà bán chịu cho tôi $100 bánh, khi nào ông chủ khách sạn trả tiền nợ thịt thì tôi sẽ thanh toán cho bà. Chuỗi mua chịu này tiếp diễn đến khi cô gái làng chơi đến khách sạn thuê phòng tiếp khách rồi xin nợ tiền phòng. Cho đến thời điểm đó các hoạt động kinh tế diễn ra bình thường dù thị trấn không có tiền mặt. Mấu chốt ở đây là mọi người tin nhau (trust) và tin vào business model của người mình cho mua chịu (cho vay).
 
Nếu chuỗi niềm tin này cứ tiếp tục thì hoạt động kinh tế vẫn diễn ra, ông chủ khách sạn sẽ vay tiếp $100 tiền thịt nữa (tổng nợ thành $200), cô gái làng chơi tiếp tục tiếp khách rồi nợ tiền phòng. GDP của nền kinh tế tiếp tục tăng trong khi total asset của nền kinh tế tăng song song với total liability (total debt), net debt luôn bằng không. Krugman và nhiều nhà kinh tế khác cho rằng debt không phải lúc nào cũng xấu, một nền kinh tế có quá ít debt, tương đương ít (financial) assets, là biểu hiện bị financial repression nên sẽ hoạt động không hiệu quả (tưởng tượng nếu ban đầu mọi người chỉ chấp nhận bán chịu $50 thì total debt sẽ giảm một nửa nhưng GDP cũng chỉ còn một nửa).
 
Nhưng đến khi total debt đạt đến một ngưỡng nào đó các chủ thể trong thị trấn sẽ lo ngại không cho người khác mua chịu nữa dẫn đến đình trệ kinh tế. Có thể thấy thời gian đầu (khi total debt còn nhỏ và người ta vẫn chấp nhận cho mua chịu) nền kinh tế hoạt động nhờ một dạng “local liquidity” là các khoản vay nợ (mua chịu) lẫn nhau. Trong một nền kinh tế hiện đại “local liquidity” thường là credit của các NHTM. Đến khi loại liquidity này cạn kiệt (vì lo ngại rủi ro) nền kinh tế cần một dạng liquidity có “uy tín” hơn giúp nó khởi động trở lại. Liquidity thực chất là vay nợ, hoặc lẫn nhau hoặc từ một nguồn thứ ba (central bank, ông khách trong truyện).
 
Các loại liquidity khác nhau, từ local đến national rồi global, về bản chất đều là một thứ “myth” (từ của Harari) mà mọi người cùng tin và chấp nhận. Trên thực tế các hoạt động kinh tế của thị trấn đó phải dựa vào những thứ có thực (khách sạn, lò bánh mỳ, “dịch vụ” của cô gái…) nhưng về lâu dài khi mức độ kinh tế lớn/phức tạp (GDP cao) cần phải có liqudity (đáng tin cậy) làm công cụ điều phối những hoạt động đó. Ở thời điểm sơ khai, “local myth” đảm đương được nhưng rồi cần phải có “national myth” mới giúp nền kinh tế chạy thông suốt.