in Viết lách - My Writings

Văn minh ẩm thực

Bài viết do ENV "đặt hàng" cho chương trình trên sóng Tiếng nói Việt Nam. Vừa viết xong nên cho lên đây kẻo quên mất 🙂

The KillingDân Hà Thành nổi tiếng sành ăn. Khi mà điều kiện kinh tế của đất nước ngày càng đi lên, cái “văn minh ẩm thực” của họ xem ra cũng có nhiều thay đổi. Những thức được coi là “cao lương mỹ vị” một thời xem ra không còn hấp dẫn nữa. Lắm kẻ giàu có bây giờ chuyển sang đi kiếm những vị lạ của đời. Chẳng thế mà hệ thống “nhà hàng đặc sản” thi nhau mọc lên như nấm ở khắp nơi.

Quãng đường từ Hà Nội lên thị xã Hòa Bình mọc lên cơ man nào là quán “đặc sản”. Xem ra cái tỉnh nghèo này cũng ăn chơi dữ dội quá nhỉ? Không phải đâu! Thực khách của họ đa số là dân Hà Nội. Cứ nhìn biển số những dãy xe đậu sát sạt nhau vào những ngày cuối tuần ở đây thì biết.

Ơ mà “đặc sản” gì mà người ta đua nhau đánh ôtô cả đoạn đường dài đi thưởng thức thế? Xin thưa: người ta hiểu “đặc sản” nghĩa là muông thú của rừng đấy! Chỉ cần ghé vào bất kỳ một cái quán nào có hai từ đó, xin cái thực đơn ra là bạn đã sẵn sàng mang cả vườn thú về nhà theo trong bụng: từ rùa, rắn, kỳ đà, nhím, cầy, lợn rừng, … Có quán còn sẵn sàng chọc tiết kỳ đà hay rắn ngay tại bàn nhậu, lấy huyết cho khách pha rượu uống! Nghe bảo rượu ấy bổ lắm, quý lắm.

Cũng lạ! Nhà nước ra bao nhiêu là luật lệ bảo vệ rừng, bảo vệ động vật. Cơ quan kiểm lâm cũng không phải là quá mỏng. Hàng năm cả Chính phủ và các tổ chức quốc tế dồn khối tiền cho bảo vệ thiên nhiên. Ấy thế mà những của quý hiểm của tạo hóa vẫn bị ngang nhiên đem ra làm món khoái khẩu cho những kẻ lắm tiền.

Mà cái kiểu “văn minh ẩm thực” như thế này cũng quá thể thật! Sự tao nhã, lịch sự, văn hóa trong việc ăn uống lại gắn với việc hủy diệt thiên nhiên, đe dọa sự tồn vong của muông thú thì không thể xếp vào “văn minh” được. Hóa ra “giàu có” và “văn minh” đôi khi chẳng đi liền với nhau!

TLN
21/6/2006