Thời gian

Năm tháng đi qua nhanh quá nhanh. Nhiều chuyện mới ngỡ hôm qua, xem lại vài ghi chép, dăm tấm ảnh mà giật mình. Hóa ra đã gần chục năm rồi cơ đấy!

Thời gian có khi giúp người ta xích lại gần nhau. Cũng có khi đẩy xa về hai hướng khác. Đơn vị thời gian có khi nhanh với mình, chậm với người khác, hoặc cũng chẳng có ý nghĩa gì trong khoảng lịch sử nào đó. Thời gian cũng có thể bị bẻ cong cơ mà.

Thời gian qua đi cũng có thể thành kỷ niệm. Cũng có thể là nỗi nhức nhối gặm nhấm, ăn mòn ta theo tháng năm.

Valentine’s Day

Ngay trước Lễ Tình nhân, con zai mình đã kịp có bạn gái đầu tiên! Chuyện trích từ "tác phẩm" của papa – "sử gia" ghi lại thời thơ ấu của các con. Tác phẩm một ngày nào đó sẽ được trao lại cho các nhân vật chính.

11/2/2014: Khôi chính thức thông báo có bạn gái
Bà nội kể, trên đường đón Khôi về, hai bà cháu đi qua dãy cửa hàng bán quần áo ở khu A11. Khôi bảo bà: Bà ơi, bà vào mua váy cho con đi. Bà hỏi: Con là con trai, sao lại mua váy? Khôi trả lời: Không, con mua cho Xu. Con yêu bạn Xu lắm. Nhưng bà không được kể cho papa đâu nhé, chỉ kể cho mẹ thôi. Kể cho papa, papa cười con đấy!

Tối về bà kể chuyện, cả nhà cười. Khôi xấu hổ, chạy trốn khắp nơi, hai tay còn che mặt nữa smiley Sau papa hỏi: Sao Khôi không yêu bạn Thục Anh? Khôi bảo: Không, bạn Thục Anh cấu con, con không yêu đâu!

12/2/204: Đàn ông phải ga-lăng!
Hôm nay đi học về Khôi kể chuyện bạn Tiến Thành xô ngã bạn Xu. Bạn Xu bị đau nên khóc nhè. Khôi bảo: Con thương bạn Xu nên con đến ngồi cạnh bạn Xu, bảo: “Xu ơi đừng khóc nữa”. Nhưng mà Xu vẫn khóc. Con ngồi cạnh bạn Xu vì con yêu bạn Xu đấy!

valentines

Bỏ sân nhà, đá sân khách

Hôm nay đọc bài này: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20111005/Nguoi-Philippines-o-TP-HCM-Osin-cao-cap.aspx nghĩ đến vụ quá cảnh ở Quảng Châu mấy năm trước, gặp mấy chị đi lao động xuất khẩu (giúp việc nhà) ở mấy nước Ả Rập bỏ về giữa chừng vì không chịu được gian khổ, lương thấp. Tính ra cả việc phải bỏ chi phí cho cò, các khoản phí đóng để được đi, v.v. thì thu nhập của mấy chị đi lao động giúp việc kiểu đó cuối cùng có khi chẳng thể bằng "đồng nghiệp" làm việc ở các thành phố lớn ở Việt Nam. Đó là không đem so sánh với các trường hợp lao động Phi-lip-pin như báo Thanh Niên nêu.

Tại sao nhu cầu lao động giúp việc ở trong nước cực kỳ lớn, mức chi trả của các gia đình cũng không phải là thấp mà lao động nông thôn Việt Nam vẫn cứ cố vay mượn, cầm cố để đi nước ngoài làm gì? Có thể kể ra một số nguyên nhân:

  • Bệnh sĩ và tâm lý cổ hủ của người lao động: đi làm giúp việc dễ bị kêu là ô-sin, đi ở, v.v. Đi nước ngoài cũng làm việc đó thì gọi là đi "xuất khẩu lao động". Đi nước ngoài, làm việc cho nước ngoài dứt khoát oai hơn!
  • Thói ăn xổi ở thì của các công ty dịch vụ môi giới: Bệnh này là bệnh chung thôi. Các công ty chủ yếu đi kiểm người làm, kiếm khách hàng, sau đó đóng vai trò trung gian lấy hoa hồng. Chấm hết. Mình một cơ số lần nói chuyện với các bạn làm dịch vụ này về vấn đề chuyên nghiệp hóa dịch vụ, đào tạo cho người lao động, … nhưng chả khác gì nước đổ lá khoai.
  • Thiếu sự tham gia tích cực của nhà nước: Trong khi tư nhân không muốn nhảy vào đào tạo nghề giúp việc, các Trung tâm lao động việc làm của nhà nước (nhan nhản, tỉnh nào cũng có) nhẽ ra nên nghĩ đến việc này. Ngân sách cho chương trình dạy nghề và tạo việc làm nông thôn cũng không phải là nhỏ. Hôm nọ còn nghe cái gì mà soạn thảo quy định pháp lý về quản lý người giúp việc nữa cơ! Lẽ ra phải đào tạo, hỗ trợ người ta để làm tốt công việc, tạo thu nhập, tuân thủ luật pháp chứ.

Với bối cảnh hòa nhập ASEAN ngày càng rõ rệt thì xu hướng di dân lao động sẽ diễn ra ngày càng mạnh mẽ giữa các quốc gia trong khối. Nếu người lao động và các công ty dịch vụ Việt Nam vẫn tư duy lối cũ, ăn xổi ở thì thì hậu quả là thất nghiệp, thiểu nghiệp ở nông thôn ngày càng nhiều, trong khi đó thị trường lao động trong nước sẽ bị chiếm mất.

Các vũ trụ tồn tại song song

Cogito, ergo sum  – Tôi tư duy, nên tôi tồn tại

Thế giới và sự sống qua con mắt trần tục của chúng ta luẩn quẩn trong chu kỳ Sinh – Lão – Bệnh – Tử. Có bao giờ chúng ta tự hỏi: Liệu mình có cô đơn trên cõi đời này? Thế giới rộng đến đâu và nếu có thể, ở ngoài vũ trụ xa xăm kia là gì? Đi mãi, đi mãi chúng ta sẽ đến đâu? Cho dù đi hết thì giới hạn là như thế nào? Chúng ta đang sống trong một khoảng sáng giữa màu đen u mặc của thiên hà?

Bản chất của cuộc sống luôn là câu hỏi cho những người tò mò và không hài lòng với những gì mình nhìn thấy, cảm thấy. Đôi mắt có thể đánh lừa chúng ta bằng những màu sắc, bóng tối và ánh sáng, hình khối, nét yêu thương, … Có thể thế giới chúng ta đang sống không giống như những gì chúng ta cảm thấy.

Tôn giáo và tín ngưỡng vẽ ra những thế giới khác trước và sau sự sống trên mặt đất. Có cả những thiên đàng và thế giới của địa ngục tội lỗi. Những thế giới đó gắn kết với chúng ta qua quan hệ nhân quả với hàm ý rằng con người phải cố sống tốt với hiện tại. Hoặc là để hoàn lỗi cho quá khứ. Hoặc là để được đi đến một thế giới khác tốt đẹp hơn sau khi lìa cõi trần gian.

Có ai nghĩ rằng có những thế giới khác tồn tại song song, đồng hành với thế giới chúng ta đang sống? Trong đó, những bản sao của chúng ta đang sống bằng những cách khác – tốt hơn hoặc xấu hơn cuộc sống của chúng ta ngay tại thời điểm này?

Một số nhà khoa học đang cố chứng minh rằng có những thế giới như vậy tồn tại thực sự. Họ dùng những kiến giải về toán học và vật lý vũ trụ để chứng minh điều đó là thật. Có vẻ hơi điên rồ nhỉ?

Max Tegmark đề cập đến giả thiết này trong bài viết "Các vũ trụ song song" trên tờ Scientific American số tháng 5/2003 và sau đó là trên Nature và nhiều tạp chí khác. Trên trang Thư viện Khoa học có bài dịch tiếng Việt bài viết của Max Tegmark về chủ đề này. Cũng đang định tóm lược vài đoạn của Max Tegmark nhưng thấy bản dịch đã cơ bản đầy đủ rồi.

Trong hình minh họa trên, lối rẽ cho các khả năng có thể xảy ra đối với một sự kiện tạo ra các thế giới tồn tại song song. "Tối nay đi ăn với anh nhé?". Câu trả lời là "Không" và "Có" tạo ra hai thế giới khác biệt. Và có thể chúng ta vẫn sống cả hai thế giới đó!

Giả thiết các đa vũ trụ tồn tại song song nhau. Trên cùng là vũ trụ chúng ta đang sống

Giả sử như có các vũ trụ tồn tại song song và có một hay nhiều bản sao khác của mình sống ở những nơi đó, cái-tôi-khác của mình đang làm gì nhỉ? Mình đang sống cuộc sống khác với một bối cảnh khác?

Có cách nào để đến được các thế giới khác đó không? Thử tìm hiểu về hố giunđường hầm lượng tử xem nhé.
 

Hiện đại nửa vời

Sau mấy chuyến đi Ấn Độ và Nepal – thăm thú cả ở thành thị và nông thôn, thấy cảnh giao thông và phương tiện đi lại thì hóa ra ở Việt Nam vẫn ngon lành cành đào hơn. Ở mình bây giờ cảnh đu bám, ngồi trên nóc, xe cũ rích chạy lọc xà lọc xọc hầu như cực kỳ hiếm. Trên Quốc lộ 1A bây giờ toàn thấy xe khách đẹp, hiện đại.

Xe khách ở Nepal. Hầu như xe nào cũng thế.

Xe khách ở Nepal. Hầu như xe nào cũng có cảnh ngồi trên nóc thế này.

Bữa trước có việc về quê, đi xe của bên Lạc Đà (Camel). Xe giường nằm, to, đẹp, nhìn rất hiện đại và sướng mắt. Lên xe cũng cảm giác sạch sẽ, chăn nệm thơm tho. Nói chung là đi đường dài vậy là quá ổn. Giá vé không rẻ nhưng cũng không đắt quá. Bằng chứng là trên xe chỉ có mấy ông bà Tây, còn lại là dân miền Trung. Đến mình mà cũng mua vé đi được cơ mà!

Trên xe có nhà vệ sinh. Tiện lợi vô cùng, nhỉ? Tránh được chuyện xe đang đi thì khách đòi … lái.

Nửa đêm mình phải dùng đến cái tiện nghi này thật! Lần đầu tiên “ấy” trên xe – He he, xem cảm giác nó thế nào nào …. Cái toilet nhỏ nhỏ kiểu như trên máy bay nhưng mà không có nhiều thứ bằng. Nhưng mà hiện đại là có “Auto Flush” – đang lin dim tự dưng nghe cái ào. Đến lúc này thì mới nghe mùi … hôi! Ngó kỹ lại, hô hô, giấy vệ sinh hết sạch (may mà không đi to). Bấm vòi nước thấy lúc la lúc lắc mà nước chẳng chịu nhè ra. Ngó quanh quất cái phòng bé xíu ấy cũng chẳng có chỗ nào có thể bói ra nước rửa tay!

Xe tải cũng được trưng dụng để chở khách. Chụp tại Nepal.

Xe tải cũng được trưng dụng để chở khách. Chụp tại Nepal.

Ngẫm lại lúc ban chiều đọc 1 bài trên An Ninh Thế Giới về vụ sắp mở cửa thị trường bán lẻ vào đầu năm 2009 và nguy cơ gà nhà bị gà ngoại đá bẹp do làm dịch vụ kém với lại không học nói “cảm ơn”. Đúng là ở cái xứ mình kỹ năng cung cấp dịch vụ có vấn đề. Dân mình hình như ít có quan tâm đến chi tiết. Có những cái nhỏ nhỏ như toilet thì phải có nước, có giấy vệ sinh, khách mua hàng xong thì phải nói “cảm ơn”, tiếp viên hàng không thì phải nhe răng ra mà cười, các đồng chí hải quan sân bay nên nói “Eo-căm tu Việt Nam” với khách quốc tế, v.v. và v.v. nhưng mà lớn chứ chả phải chơi. Cứ đầu tư cơ sở hạ tầng hoành tráng, trang thiết bị xịn, dàn các em xinh tươi trẻ đẹp, … chưa chắc đã ăn ai. Hiện đại được phần cứng mà phần mềm dở thì cũng chi nửa vời, đúng không?

Xe Hoàng Long. Ảnh luộc trên mạng - quên nguồn.

Xe Hoàng Long. Ảnh luộc trên mạng - quên nguồn.

P.S: Hôm trước đọc báo có nghe chuyện Việt Thanh Kumho với lại Hoàng Long bị một số doanh nghiệp vận tải Hải Phòng kiện vì tội … làm ăn tốt quá lấy hết khách của họ. Hô hô … đúng là cười ra nước mắt!

P.P.S: “Tỉnh nghèo” Hà Tĩnh hiện có khoảng hơn 20 chiếc xe giường nằm rất hiện đại. Đã đi thử vài chuyến và rút ra kết luận là: xe hiện đại nhưng người thì vẫn rứa. Nghĩa là xe giường nằm thì vẫn có thể nhét khách thêm vào dọc các lối đi giữa các giường! Mình đã bị nhét nằm giữa lối đi một lần – cứ nơm nớp lo ông/bà nào giường trên nửa đêm phi xuống thì … ôi thôi!

Nói với tôi

Vài dòng khai phím. Hy vọng năm 2009 mình sẽ đỡ lười hơn và viết khỏe.

Thế giới đang đổi thay mạnh mẽ. Toàn cầu hóa và công nghệ đang dần xóa bớt những rào cản và tạo ra cơ hội công bằng hơn cho tất cả quốc gia đi đến phồn vinh và thịnh vượng.

Nếu mình muốn đất nước phát triển, “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”, thì tiên quyết phải cố gắng hơn nữa. Thanh niên ở các nước phát triển thụ hưởng một nền tảng giáo dục, tri thức, khoa học, công nghệ tiên tiến vượt bậc so với chúng ta. Họ cũng được rèn luyện kỹ năng tốt hơn, làm việc và học tập năng suất, chăm chỉ hơn. Hình ảnh các bạn học sinh, sinh viên đọc sách, lướt web trên xe bus, tàu điện ngầm là quá bình thường ở Tokyo, New York, London, … Thậm chí, các bạn thanh niên đi du lịch theo kiểu “Tây ba-lô” ở nước mình cũng luôn có vài cuốn sách kè kè bên người.

Họ làm việc 8 tiếng, 10 tiếng, 12 tiếng, thậm chí 18, 20 tiếng mỗi ngày. Nếu chúng ta chỉ giới hạn giờ làm việc của mình trong 8 tiếng (thậm chí ít hơn) thì liệu chúng ta có theo kịp họ không? Muốn tích lũy được tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng bằng họ, rõ ràng chúng ta phải cố gắng hơn họ 2, 3, … 10 lần. Nghĩa là phải làm việc và học tập mỗi ngày 10 tiếng, 14 tiếng, thậm chí 18 đến 20 tiếng đồng hồ. Thế thì may ra đến một lúc nào đó chúng ta mới theo kịp các bạn trẻ ở các nước phát triển. Bị tụt hậu, chúng ta phải chạy, đuổi, tốc hành … chứ không thể nhẩn nha mà hy vọng theo kịp đối thủ được!

Nền tảng tri thức, kỹ năng và kinh nghiệm của xã hội là tập hợp nỗ lực của mỗi cá nhân và nền tảng này sẽ tạo đà cho các thế hệ sau. Nếu mỗi chúng ta không góp thêm những viên gạch để nâng nền tảng này lên, liệu chúng ta có quyền phê phán con cháu chúng ta trong tương lai không? Hay chính con cháu chúng ta cũng sẽ không cố gắng vì họ nhìn vào gương của chúng ta? Hoặc chính con cháu sẽ phê phán thế hệ chúng ta vì đã để lại một nền tảng quá thấp kém! Vì vậy, việc nỗ lực của thế hệ hiện tại không chỉ phục vụ sự phồn vinh và hạnh phúc của mỗi người chúng ta mà còn tạo thế đi lên cho tương lai các thế hệ mai sau. Chính những thế hệ trước của người Nhật Bản, người Hàn Quốc, người Singapore, … đã làm việc hết mình, hy sinh rất nhiều để đất nước họ có ngày hôm nay và các thế hệ con cháu tự hào về những gì cha ông họ đã làm. “Hy sinh đời bố, củng cố đời con” – chả phải tổ tiên chúng ta đã dạy thế sao?

Chúng ta có hai lựa chọn: Hoặc là bằng lòng tận hưởng sự vui vẻ và chấp nhận là người dân của một đất nước nhược tiểu. Hoặc là chúng ta đốt cháy mình để đi, chạy nhanh hơn. Đừng đổ lỗi cho các thế hệ trước và cũng đừng hy vọng các thế hệ sau sẽ làm thay việc của chúng ta!

Mở thêm ngõ cho Đông Nam Á?

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan thời gian vừa qua với việc hai sân bay ở Bangkok bị tê liệt đã ảnh hưởng không nhỏ đến giao thương trong khu vực. Hàng trăm ngàn người bị mắc kẹt tại hai sân bay. Hàng trăm chuyến bay bị hủy bỏ. Những ai phải di chuyển bằng đường hàng không trong thời gian này mới cảm thấy sự khổ sở.

Không chỉ người Thái thấy bức bối – hàng chục ngàn người “đi nhờ” lối ngõ Bangkok cũng bực bội không kém. Chuyến đi Kathmandu của mình tí nữa thì không thành. Thế nhưng dù đến phút chót vẫn “chui rào” đi ngõ nhà khác, chuyến đi chẳng phải suôn sẻ tẹo nào. Cơ sự này kể ở phần khác vậy. Mục này nói chuyện “đại sự” tí.

Hôm nọ kêu ca chuyện các bạn Thái biểu tình lăng nhăng quá, ông bạn đồng nghiệp bảo, thực ra bởi vì Bangkok đã trở nên quan trọng thái quá đổi với khu vực. Chợt nghĩ, nếu đóng vai trò là trạm trung chuyển của Đông Nam Á, tại sao không là Kuala Lumpur, Singapore, hoặc Hà Nội nhỉ? Chắc có lẽ các bạn Thái làm du lịch thành công quá, kéo hết các hãng hàng không về. Nếu vậy thì ngành công nghiệp sung sướng (và không khói, he he) có công lớn thật!

Bên trong sân bay Suvarnabhumi (Bangkok, Thái Lan)

Bên trong sân bay Suvarnabhumi (Bangkok, Thái Lan)

Bây giờ thử xem nếu Việt Nam muốn thành cửa ngõ hàng không của khu vực thì cần làm những gì? Dĩ nhiên là loại trừ khả năng dùng chiêu sung sướng rồi.

  • Đầu tiên chắc chắn là phải mở rộng sân bay và nâng cao dịch vụ. Món dịch vụ thì đề nghị mở vô số lớp học cười và nói “Thank You”. Thậm chí đếch cần nói tiếng Anh – các bạn Thái vẫn cứ “Sawasdee” với “Khub khun kha” mà khách vẫn nhe răng cười đáp lại đấy thôi!
  • Mở cửa ngõ thì phải mời khách đến: chèo kéo các hãng hàng không và các em tiếp viên xinh đẹp, các hãng lữ hành, v.v.
  • Xây thêm một cơ số khách sạn gần sân bay. Trạm trung chuyển thì cần có chỗ cho khách ngủ qua đêm nếu cần chứ! Ngõ rộng mà nhà chật thì hóa ra dở hơi à?
  • Khuyến khích, ưu đãi các tổ chức của LHQ và các tổ chức quốc tế mở văn phòng tại VN. Có thể cấp đất cho UN xây dựng khu văn phòng riêng cho các tổ chức con. Hôm trước thấy các bạn UNDP đang mời thầu xây dựng khu nhà xanh trên The Economist – chắc là khu UN đây?
  • Tổ chức hội chợ, triễn lãm quốc tế, … bét nhè.
  • Tạo điều kiện tối đa, thuận tiện, dễ dàng cho các tổ chức Việt Nam và quốc tế tổ chức các hội nghị, hội thảo quy mô vùng và quốc tế tại VN. Hiện tại vụ này còn khá phức tạp. Các tổ chức của Việt Nam cũng thừa sức làm các hội thảo hoành tráng và ngon lành như các bạn khác. Nhưng mà nghĩ đến thủ tục là ngán rồi.

Một khi cửa ngõ đã mở, điều kiện thuận lợi, lưu lượng khách đến với Việt Nam sẽ tăng lên, kéo theo nhiều ngành dịch vụ phát triển theo. Đơn giản như là số việc làm tại sân bay, số cửa hàng và nhà hàng – cứ nhìn các bạn Thái bán hàng từ ngoài cổng đến tận cửa sân bay (thậm chí cả trên máy bay) mới thấy họ cố gắng “vét túi” khách như thế nào. Về nhìn Nội Bài đìu hiu mà buồn ….

Một góc sân bay Nội Bài

Một góc sân bay Nội Bài

Nếu dịch vụ tốt thì việc khách đến Việt Nam làm việc rồi tranh thủ vu vi thêm ít ngày là chuyện thường. Như vậy thì các bác làm du lịch, ăn uống, shoppping, mát-xa, karaoke, … tha hồ hốt bạc. Bà con nông dân khéo tay có thể chuyển sang làm quạt, làm nón, dệt lụa, v.v. và v.v. để phục vụ công cuộc “vét túi” du khách. Ha, kể ra thì nhiều tác dụng phụ lắm!

Là cửa ngõ của khu vực, Việt Nam cũng sẽ nâng cao vị thế và uy tín của mình trong cộng đồng quốc tế. Quan trọng hơn là bà con nhà mình muốn đi đâu cũng thuận tiện. Thêm nữa, nếu các bạn người ngoài lếu láo, mình dọa: “Bố mày rào ngõ luôn bây giờ!”. Khối bọn sợ chết khiếp.

Nhưng mở ngõ rộng hơn, như ở quê mình vẫn hay nghĩ, nhiều người lại cứ sợ trộm vào!

Văn minh ẩm thực

Bài viết do ENV "đặt hàng" cho chương trình trên sóng Tiếng nói Việt Nam. Vừa viết xong nên cho lên đây kẻo quên mất 🙂

The KillingDân Hà Thành nổi tiếng sành ăn. Khi mà điều kiện kinh tế của đất nước ngày càng đi lên, cái “văn minh ẩm thực” của họ xem ra cũng có nhiều thay đổi. Những thức được coi là “cao lương mỹ vị” một thời xem ra không còn hấp dẫn nữa. Lắm kẻ giàu có bây giờ chuyển sang đi kiếm những vị lạ của đời. Chẳng thế mà hệ thống “nhà hàng đặc sản” thi nhau mọc lên như nấm ở khắp nơi.

Quãng đường từ Hà Nội lên thị xã Hòa Bình mọc lên cơ man nào là quán “đặc sản”. Xem ra cái tỉnh nghèo này cũng ăn chơi dữ dội quá nhỉ? Không phải đâu! Thực khách của họ đa số là dân Hà Nội. Cứ nhìn biển số những dãy xe đậu sát sạt nhau vào những ngày cuối tuần ở đây thì biết.

Ơ mà “đặc sản” gì mà người ta đua nhau đánh ôtô cả đoạn đường dài đi thưởng thức thế? Xin thưa: người ta hiểu “đặc sản” nghĩa là muông thú của rừng đấy! Chỉ cần ghé vào bất kỳ một cái quán nào có hai từ đó, xin cái thực đơn ra là bạn đã sẵn sàng mang cả vườn thú về nhà theo trong bụng: từ rùa, rắn, kỳ đà, nhím, cầy, lợn rừng, … Có quán còn sẵn sàng chọc tiết kỳ đà hay rắn ngay tại bàn nhậu, lấy huyết cho khách pha rượu uống! Nghe bảo rượu ấy bổ lắm, quý lắm.

Cũng lạ! Nhà nước ra bao nhiêu là luật lệ bảo vệ rừng, bảo vệ động vật. Cơ quan kiểm lâm cũng không phải là quá mỏng. Hàng năm cả Chính phủ và các tổ chức quốc tế dồn khối tiền cho bảo vệ thiên nhiên. Ấy thế mà những của quý hiểm của tạo hóa vẫn bị ngang nhiên đem ra làm món khoái khẩu cho những kẻ lắm tiền.

Mà cái kiểu “văn minh ẩm thực” như thế này cũng quá thể thật! Sự tao nhã, lịch sự, văn hóa trong việc ăn uống lại gắn với việc hủy diệt thiên nhiên, đe dọa sự tồn vong của muông thú thì không thể xếp vào “văn minh” được. Hóa ra “giàu có” và “văn minh” đôi khi chẳng đi liền với nhau!

TLN
21/6/2006

Ảo mộng

Có những buổi sớm mai khi ánh ngày còn le lói, tự nhiên thấy mình thức dậy nhẹ nhàng. Dường như có chút gì đó vấn vương còn sót lại của một giấc mơ đẹp. Có bóng người thoáng qua, lướt nhẹ như làn sương trước mắt. Mộng đẹp chăng? Ly cà phê rơi tí tách …

Có những buổi chiều, trên đường ta rong ruổi, chợt dừng lại bâng khuâng. Con đường này ta đã đi qua? Hàng cây kia sao quen quá, dẫu ta chưa qua đây một lần. Ô, bến sông. Bến sông! Ta nhớ một lần gặp em bẽn lẽn giữa ngút ngàn bãi dâu. Cũng buổi chiều thế này. Cũng bến sông …

Cuộc đời hay ảo mộng nhỉ? Ta không biết. Không biết! Sao những lúc ta mơ thấy đời? Sao có lúc giữa cuộc đời ta dừng lại xốn xang? Ta đang ở đâu nhỉ?

Thoughts of the day: Learn from the people


“The way our people hold the cup can show different meanings to their partners: hospitability, joy, sorrow, anger, and challenge. You should watch out!”. The old man keeps on telling me stories and customs of his people with proud in his eyes. With a jar of straw wine (a local-made alcoholic drink produced from rice and forest leaves), I spent hours enjoying a journey to one of great cultures in my country – the Thai culture. “Every customs and traditions you see today have roots in the past. You know, my family name is the name of a sacred tree”.

I have been working in remote and rural areas throughout my country for over five years. My job as an environmental educator helps me enjoy opportunities to work and learn from local communities I have been to. For me, the mysterious culture behind all legends and traditional festivals is always interesting and fascinating. My country is home to 54 different ethnic groups. It also means that there are 54 different cultures I can explore and learn.