in Viết lách - My Writings

Bỏ sân nhà, đá sân khách

Hôm nay đọc bài này: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20111005/Nguoi-Philippines-o-TP-HCM-Osin-cao-cap.aspx nghĩ đến vụ quá cảnh ở Quảng Châu mấy năm trước, gặp mấy chị đi lao động xuất khẩu (giúp việc nhà) ở mấy nước Ả Rập bỏ về giữa chừng vì không chịu được gian khổ, lương thấp. Tính ra cả việc phải bỏ chi phí cho cò, các khoản phí đóng để được đi, v.v. thì thu nhập của mấy chị đi lao động giúp việc kiểu đó cuối cùng có khi chẳng thể bằng "đồng nghiệp" làm việc ở các thành phố lớn ở Việt Nam. Đó là không đem so sánh với các trường hợp lao động Phi-lip-pin như báo Thanh Niên nêu.

Tại sao nhu cầu lao động giúp việc ở trong nước cực kỳ lớn, mức chi trả của các gia đình cũng không phải là thấp mà lao động nông thôn Việt Nam vẫn cứ cố vay mượn, cầm cố để đi nước ngoài làm gì? Có thể kể ra một số nguyên nhân:

  • Bệnh sĩ và tâm lý cổ hủ của người lao động: đi làm giúp việc dễ bị kêu là ô-sin, đi ở, v.v. Đi nước ngoài cũng làm việc đó thì gọi là đi "xuất khẩu lao động". Đi nước ngoài, làm việc cho nước ngoài dứt khoát oai hơn!
  • Thói ăn xổi ở thì của các công ty dịch vụ môi giới: Bệnh này là bệnh chung thôi. Các công ty chủ yếu đi kiểm người làm, kiếm khách hàng, sau đó đóng vai trò trung gian lấy hoa hồng. Chấm hết. Mình một cơ số lần nói chuyện với các bạn làm dịch vụ này về vấn đề chuyên nghiệp hóa dịch vụ, đào tạo cho người lao động, … nhưng chả khác gì nước đổ lá khoai.
  • Thiếu sự tham gia tích cực của nhà nước: Trong khi tư nhân không muốn nhảy vào đào tạo nghề giúp việc, các Trung tâm lao động việc làm của nhà nước (nhan nhản, tỉnh nào cũng có) nhẽ ra nên nghĩ đến việc này. Ngân sách cho chương trình dạy nghề và tạo việc làm nông thôn cũng không phải là nhỏ. Hôm nọ còn nghe cái gì mà soạn thảo quy định pháp lý về quản lý người giúp việc nữa cơ! Lẽ ra phải đào tạo, hỗ trợ người ta để làm tốt công việc, tạo thu nhập, tuân thủ luật pháp chứ.

Với bối cảnh hòa nhập ASEAN ngày càng rõ rệt thì xu hướng di dân lao động sẽ diễn ra ngày càng mạnh mẽ giữa các quốc gia trong khối. Nếu người lao động và các công ty dịch vụ Việt Nam vẫn tư duy lối cũ, ăn xổi ở thì thì hậu quả là thất nghiệp, thiểu nghiệp ở nông thôn ngày càng nhiều, trong khi đó thị trường lao động trong nước sẽ bị chiếm mất.

  1. Đây là cửa hàng tạp hóa. Chú thấy nhiều hàng thế phải khen chứ?

Comments are closed.