in Chuyện nghề - Work Stuff

Thư của chị Đỗ Lãng Quân

Kính gửi chị Đỗ Lãng Quân,

Tôi xin phép chị bê lá thư dài ngoằng của chị về đây nhé.


Năm con Hổ, một lá thư buồn gửi những cánh rừng đã chết…!

Đỗ Lãng Quân

Năm con Hổ 2010 đã đến, mạn phép Chúa Sơn Lâm, con viết vài dòng gửi thẳng cho bà Mẹ Rừng khốn khổ ở Việt Nam. Thưa, con không dám nói chuyện gì to tát, kiểu như một nguyên thủ quốc gia với vẻ mặt buồn bã trong hội nghị toàn cầu về Biến đổi khí hậu ở Cô-pen-ha-ghen cuối năm 2009, rằng là: các ông giàu có phá rừng và xả khí thải vô hạn độ ơi, xin hãy hiểu, cái việc nóng lên 1,5 độ C của trái đất cũng đã đồng nghĩa với việc quốc đảo của chúng tôi bị chìm lỉm lút trong đại dương đấy nhé! Ở Việt Nam, trên diễn đàn Quốc hội, cũng năm 2009, đại biểu – nhà sử học Dương Trung Quốc nói một câu “cười ra nước mắt”: rừng bị tàn phá quá nhiều, tàn phá đến mức, chỉ có bão lũ mới đủ sức tố cáo hết (đại ý thế). Cơn đại hồng thủy chưa từng thấy ở miền Trung vừa qua khiến bà con mất nhà cửa được dịp cải thiện cuộc sống với nghề vớt gỗ ở phố phường và cả trên quốc lộ nhẵn thín – những nơi mà đã mấy mươi năm sạch bóng cây rừng. Hàng nghìn mét khối gỗ ấy ở trên trời rơi xuống ư? Cơ man nào là gỗ được chặt khúc xẻ khoanh bởi bàn tay con người đấy chứ. Mưa lũ giúp cho các thi thể rừng già trôi thẳng từ trên núi cao về đồng bằng bằng sức mạnh của “thiên binh vạn mã” để thống thiết tố cáo kẻ “thủ ác”. Kẻ đó không chỉ là lâm tặc rậm râu dài tóc trực tiếp cầm cưa cầm búa Thạch Sanh phá rừng, “lâm tặc” là tất cả chúng ta, chúng ta đã không thật sự nghiêm túc và máu thịt trong các nỗ lực giữ rừng! Các phần thi thể rừng già được “tập hợp lực lượng” bởi sức nước đã chọc thủng các “phòng tuyến” phố xá, nhà cửa và các… thi thể người xấu số, nó công phẫn phá toang tất cả những gì án ngữ dọc đường tìm công lý của các… cánh rừng đã chết.

Thưa Bà Mẹ Rừng, con đang dở câu chuyện. Rằng là con không muốn bàn chuyện to tát, cũng sẽ không thống kê sưu tầm các vụ phá rừng, các vụ lâm tặc giết chết kiểm lâm hay kiểm lâm tiếp tay cho kẻ nhơ nhuốc làm điều tàn độc với rừng, bởi những con số và hình ảnh ấy vốn đã tràn ngập trên các phương tiện truyền thông cùng các bản báo cáo tổng kết năm của chính quyền và nhiều ban ngành các địa phương có rừng. Trong lá thư cuối năm, con chỉ làm một việc đơn giản: ngồi ngẫm lại những chuyến đi, những chuyện tai nghe mắt thấy, chướng tai gai mắt xung quanh việc chọc tiết các cánh rừng mà con là nhân chứng trực tiếp trong hơn 300 ngày “bôn tẩu” vừa qua. Con tự hỏi, tại sao, rất nhiều khi, nếu không nói là hầu hết… các khi, người ta có thể giữ rừng một cách nửa vời như thế, có thể nói dối trong các mong muốn và kế hoạch bảo vệ rừng, trong việc giữ gìn Bầu Sữa Thiên Nhiên cho mình và cho con cháu mình như thế!

Mẹ Rừng ạ, đầu năm 2009, thăm lại xứ Thái Sơn La, nhóm nhà báo chúng con đã vác camera, máy ảnh, nằm trong bụi rậm, trèo lên các tán rừng còn sót lại, như những chú khỉ nhỏ, vọc vạch mở các kẽ lá xanh hướng về một khối ung nhọt. Họ vác cưa máy chạy nháo nhào, xẻ gỗ gầm gừ, xe ô tô bốc gỗ náo nức, và cán bộ kiểm lâm trễ nải bỏ mặc nhiệm vụ, lớn tiếng tố cáo chính cán bộ huyện có xưởng cưa “xẻ thịt” các cánh rừng gỗ nghiến màu mỡ nhất của Tây Bắc. Sau cơn mưa núi, xác thân những bậc đại thụ đen thui, nằm thuồi luồi như lươn trạch bị thiêu trên bùn mủn tro than. Những người đàn bà Thái tắm khỏa thân ở bìa rừng, thấy bóng ô tô của con và nhóm PV Truyền hình Việt Nam đỗ xịch, họ vấn lại “tẳng cẩu”, thắt dây lưng xanh, xủng xẻng xà tích bạc, chạy ra bán… thớt nghiến tươi. Cuối chiều, trai bản vác gỗ về nườm nượm, người ta bán thớt nghiến và bàn ghế, phản sập, ván canh bằng nghiến nhiều đến mức thành các “khu phố” nhà ai cũng treo biển “Bán thớt”. Dân lái xe và du khách đi dọc Quốc lộ 6, QL 279 gọi đó là “Phố thớt” – con phố có cái tên độc đáo nhất… Việt Nam.

Rừng phòng hộ Thuận Quỳnh rộng 13.000ha, nằm trùm lên 3 huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu và Tuần Giáo của 2 tỉnh Điện Biên và Sơn La. Với trữ lượng khoảng 200m3 gỗ nghiến trong một héc-ta, rừng Thuận Quỳnh là một báu vật của Tây Bắc và cả Việt Nam. Nghiến mọc trên đá, đá ướp ủ gặn chắt nuôi dưỡng vài trăm năm mới được một “tòa thiên nhiên” nghiến, nhưng chỉ trong vài phút là cưa máy có thể đưa hồn rừng về nơi… địa phủ. Vậy mà, Ban quản lý rừng Thuận Quỳnh chỉ có 7 cán bộ giữ để giữ 13.000ha rừng. Ông Luân, Chi Cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Sơn La, khi được các nhà báo cho xem clip phá rừng nghiến kể trên thì tá hỏa sợ, rồi thở dài thật thà như cây gỗ mục: mỗi kiểm lâm của chúng tôi phải quản lý từ vài nghìn đến… 8.000 ha rừng, thì có tài thánh cũng chả thể đi tuần tra vòng quanh diện tích của mình một lần trong… mỗi tháng – chứ nói gì đến bảo vệ. Kiểm tra sơ sơ, có tới 80% người dân sở tại có giữ gỗ trái phép trong nhà! Hai chi tiết đó, đủ thấy mức độ thảm sát rừng nghiến Thuận Quỳnh đang “nóng” tới mức nào. Và, ngày 20/5/2009, tại diễn đàn Quốc hội, đồng chí Huỳnh Đảm – Uỷ viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam – đã trình bày bản báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân nói về “Tình trạng buông lỏng quản lý dẫn đến nạn phá rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng cấm” ở vài nơi, trong đó có Sơn La.. Ngay lập tức, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La đã có văn bản yêu cầu UBND tỉnh kiểm tra lại thông tin và báo cáo. Mẹ Rừng ơi, điều khiến con và nhiều người choáng váng, hết sức choáng váng, là: bản báo cáo được hoàn thành ngày 22.5, tức là chỉ 2 ngày sau khi Đoàn đại biểu Quốc hội ký công văn yêu cầu kiểm tra về số phận của nhiều nghìn hécta rừng phòng hộ 13.000ha, trùm phủ trên miền Tây Bắc vút ngàn trùng xa kia! Nội dung bản báo cáo thì… đến cả “người ở phố thớt” cũng không thể… ngửi được, ví dụ như ở huyện Quỳnh Nhai nóng bỏng, “các nhà điều tra vĩ đại” cho biết: quý I năm 2009, chỉ có 1 vụ vi phá rừng bị phát hiện, với số gỗ thu được chính xác đến từng "đồng cân" là: "0,889m3"; tại huyện Thuận Châu, con số này là: "1,16m3". Ối cha mẹ ơi, mấy tháng ròng, cả vùng cửa rừng đặc dụng với ngót một vạn người dân, họ chỉ đẵn có chưa đầy 1m3 gỗ. Có lẽ họ chỉ chặt ngọn một cây nghiến, xẻ lấy độ 5 cái thớt lăn ra cửa rừng về băm chặt trong một đám cưới miền ngược thôi cũng đã đủ 0,8m3 (như trong báo cáo).

Con nghĩ rằng, đứng trước Mẹ Rừng thì ai ai cũng phải nói thật. Bởi với sự bao la và huyền bí, thiêng quý. Bởi con người bước ra từ rừng. Bởi sự hối lỗi với rừng: trong ngàn vạn các loài sinh ra từ rừng, chỉ có duy nhất Con Người là dám quay lại phá rừng, phá với tốc độ xóa sổ gần hết diện tích rừng trên thế gian. Và, nếu được phép nói thật, con sẽ nói rằng: cùng với việc tăng cường súng ống, dụng cụ hỗ trợ, bổ sung thêm “cảnh sát rừng”, loài người chúng con cần phải gấp rút thanh tra lại toàn bộ sự hoạt động èo uột, những bản báo cáo đến trẻ lên ba cũng phải phì cười của không ít đơn vị kiểm lâm và các ngành hữu quan.

Tỷ dụ, hồi giữa năm 2009, con dạt mình vào các xã thượng du của huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Ở đây, kẻ xấu dụ dỗ cả Bí thư chi bộ thôn 8, xã Tam Trà cùng 20 hộ ký vào văn bản, ra “nghị quyết” thuê xe ủi, phá rừng, mở đường rộng tới 3m vào vùng lõi rừng phòng hộ nhằm… chở gỗ ra. Con và các nhà báo của Sài Gòn Giải Phòng, Báo Quảng Nam và người dẫn đường đi bộ 6 tiếng đồng hồ trong rừng, chân tay phồng rộp tứa máu vì luồn rừng bí mật, đối mặt giữa mênh mông rợn ngợp toàn rừng đổ, rừng cháy, nhiều thân cây hai ba người trưởng thành ôm chưa kín vòng gốc. Thưa Mẹ, với cái camera nhỏ trong tay, con đứng ở một vị trí, lia tròn một vòng qua các rông núi điệp trùng, màn hình hiện lên toàn rừng cháy đen thui, trải dài tít tắp, cây gỗ tươi bị chặt còn nhểu nhựa, tiếng cưa máy còn rền vang trong các tán rừng cuối cùng. Phó hạt trưởng hạt kiểm lâm Núi Thành, ông Đinh Hồng Thân cùng thuộc cấp, dù tay cầm súng lục, mà bị lâm tặc phá xe ô tô đặc chủng, đuổi đánh, cướp lại gỗ tang vật, đoàn công tác chỉ biết chĩa súng về…phía đuôi, bắn chỉ thiên, hô hoán và chạy tháo thân. Điều cần nhấn mạnh là: rừng ở khu vực Núi Thành, là rừng phòng hộ cho đại công trình thủy lợi Hồ Phú Ninh, “quả bom nước” ấy nếu (nói dại!) bị vỡ thì không chỉ Quảng Nam mà nhiều tỉnh lân cận cũng gặp thảm họa, giết chóc. Chính vì thế mà người Việt Nam quy hoạch và bảo vệ cẩn mật tới 23.000ha rừng đặc dụng cho hồ Phú Ninh với diện tích mặt nước khổng lồ: 3.433ha!

Giữa bối cảnh “nóng bỏng” đó, chỉ đến khi chúng con tố cáo, thì cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam mới có “dự án” khởi tố vụ phá rừng. Trong giờ làm việc, trạm kiểm lâm, hạt kiểm lâm sở tại đều ngáp ngủ hoặc từ chối thẳng thừng các đề nghị tìm hiểu của chúng con. Quá xấu hổ trước tình trạng “rừng vô chủ” (như lời ông Minh Khả, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành thừa nhận), một kiểm lâm viên sở tại đành bí mật liên lạc với nhà báo ngõ hầu giúp… tìm công lý cho các cánh rừng đã chết. Các bản báo cáo của những cán bộ kiểm lâm được giao nhiệm vụ điều tra một vụ việc phá rừng ở Núi Thành đã thì đúng là rách trời rơi xuống. Ví dụ, tổ công tác điều tra tình trạng phá rừng ở 2 xã Tam Trà và Tam Mỹ Tây đã được yêu cầu đi thực địa và báo cáo từ tháng 9 năm 2008, thế mà nại lý do mưa gió, nước lớn ở suối mất đến… 8 tháng sau, ngày 29/4/2009, họ mới có vài dòng báo cáo èo uột như sau: quá trình kiểm tra không có mặt đối tượng vi phạm…; các ban ngành của thôn, xã không cung cấp thông tin về đối tượng vi phạm rõ ràng… không nêu chính xác được tên tuổi, địa chỉ của người vi phạm. Thế là thôi, các nhà điều tra vĩ đại bèn đi về! Thật điêu trá, đi điều tra, mà lại kêu ca là đối tượng phá rừng không ngồi ở rừng để mình… hỏi!

Mẹ Rừng biết không, cuối năm 2009, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Xuân (đoàn Tây Ninh) đã đem những “tố cáo” của con từ mặt báo vào diễn đàn Quốc hội khi nói về cách ứng xử với thiên nhiên của người Việt Nam ở Tây Bắc. Ông Xuân hùng hồn và chua xót: Tôi có tiếp xúc với nhà báo (…) của báo Lao Động, người đã có một phóng sự dài về Mường Nhé. Đây (vốn) là khu rừng lớn nhất Việt Nam, khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất Việt Nam, giờ quay lại tan hoang hết (…). Thì không biết rằng ở đây lực lượng chức năng có “ra tay” hay không, luật pháp có được tôn trọng hay không mà để xảy ra hiện tượng như vậy? Vâng, khu rừng đặc dụng (từng) lớn nhất Việt Nam, với diện tích khoanh vùng bảo vệ 310.000ha đã bị người di cư tự do biến nhiều nghìn héc-ta thành những quả núi vàng rượi toàn lúa nương. Sau 5 năm con trở lại với Mẹ Rừng ở Mường Nhé, rừng bị xoá trắng như một cơn ác mộng. Cái màu lúa vàng mê mải ấm no ấy, thương thì rất thương, nhưng nó cũng đồng thời là màu của sự tàn ác và cách ứng xử thiếu văn hóa, coi thường luật pháp của người ta với… rừng già. Con và các chàng lính biên phòng từng là bạn với con 5 năm trước bắt đầu cãi nhau, xã này, bản này, nó vốn trọc lốc với thảm lúa vàng miên man thế, hay là năm ngoái năm kia nó vẫn là rừng nguyên sinh rồi người di dân tự do kéo đến cạo sạch để chiếm đất?! Người di cư tự do từ khắp các tỉnh thành, khắp các huyện trong tỉnh kéo đến, họ ranh mãnh như những con cáo, họ luồn rừng như sơn dương và họ hung dữ như hổ báo. Huyện Mường Nhé trở thành nơi có dân số phát triển nhất… thế giới. Chỉ vài năm, dân số phát triển gấp đôi. Chỉ trong năm 2009, huyện có mấy xã được tách làm đôi vì quá đông người, chỉ 1 năm, huyện thành lập thêm 39 cái bản mới toe, bởi người di cư tự do kéo đến, đuổi mãi không được, đành phải… công nhận “bản mới” cho họ. Công an, kiểm lâm, biên phòng, dân quân các xã và… Chủ tịch UBND huyện Giàng A Dình, tất cả phải kéo vào rừng, vận động, thậm chí cõng bế bà con ra khỏi rừng, lăn nằm ra luống đất xin bà con đừng biến rừng cấm thành “đất vỡ hoang” nữa. Chắc con chả nói ra thì mẹ rừng cũng quá hiểu, người ta đã tỏ ra muốn giữ rừng nguyên sinh, bầu sữa thiên nhiên nhiệm màu nhất của sự sống trên hành tinh này, bằng cái cách rất… ngớ ngẩn. Sau hàng chục năm tuyên bố khoanh vùng bảo vệ Khu bảo tồn Thiên nhiên rộng lớn và giàu có nhất Việt Nam, Mường Nhé, sách báo, các tài liệu khoa học thi nhau tôn vinh ầm ĩ, nhưng mãi đến năm 2008 vừa rồi, nghĩa là sau quá trình bị vùi dập, phá hủy mọi nhẽ rồi, khu rừng đặc dụng lớn nhất Việt Nam này mới thành lập nổi một cái ban quản lý, đóng cọc khoanh được vùng nọ vùng kia. Lúc ấy, diện tích quý báu của Mường Nhé chỉ còn đúng 45.000ha (theo quyết định thành lập năm 2008); còn lại nhiều nghìn héc ta đã biến mất vĩnh viễn.

Ông Nguyễn Đình Xuân thảng thốt đặt dấu hỏi về tình trạng “qua mặt” luật pháp, cũng như sự thiếu quyết liệt, thiếu hiệu quả trong bảo vệ rừng ở kho vàng xanh Mường Nhé là vì thế. Cũng năm qua, từ nghị trường Quốc hội, nghe thấu lời chúng con khóc than mẹ rừng ở các cánh cung màu mỡ của Vườn quốc gia Tam Đảo, “ông nghị” biết thương xót rừng già Nguyễn Đình Xuân lại tức tốc thượng sơn . Chuyện chưa từng có, và chuyện không ai có thể tin được đã ập đến với khu VQG màu mỡ nhất, nằm sát nách thủ đô, trùm màu xanh ngọt lịm của nó lên 3 tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc đó. Dường như, người ta coi rừng cấm là… bãi đất trống, thả sức đưa nhân công vào, có lán tới 100 người, chị gánh anh thồ, anh hò chị hát, mở cả một con đường dài gần 20km, rộng tới 2-3 mét, xuyên qua vùng lõi Vườn Quốc gia. Người ta đánh lại kiểm lâm, cho ô tô chở nhiều tấn vật liệu và các khung sắt khổng lồ vào “rừng cấm” để xây dựng công trình trị giá (nghe đồn) hàng trăm tỷ đồng. Lực lượng kiểm lâm đến từ 3 tỉnh, Ban lãnh đạo VQG Tam Đảo liên tục đi tuần tra, phá rỡ lều lán của công nhân, đẩy đuổi lực lượng tấn công rừng cấm, nhưng họ thuê đầu gấu thi công và đe dọa, đánh trả, trơ lỳ không chịu “rút lui”. Các báo cáo kêu cứu cứ gửi thẳng lên Cục kiểm lâm, UBND tỉnh Vĩnh Phúc và cơ quan chức năng đều đặn. Dường như, lực lượng kiểm lâm với súng ống và luật pháp trong tay, họ không biết làm gì khác ngoài báo cáo kêu cứu. Rừng cấm, rừng lõi, khu bảo vệ nghiêm ngặt do Chính phủ ra quyết định thành lập, nơi mà bao thế hệ kiểm lâm Việt Nam nai lưng bảo vệ đó – cái nơi mà theo Luật, chỉ cần vào rừng trái phép, chỉ cần hái măng hái nấm cò con thôi, cũng có thể bị bắt giữ và xử phạt – thế nhưng, các công trình khổng lồ đã mọc lên, đã tổ chức lễ khánh thành rinh rượp, đã mở xong 19km đường thênh thang, có chỗ cheo leo không mở được đường, họ làm cả “sạn đạo” (mặt đường lát gỗ để vượt dốc hay cạp lấn ra mép vực) dài miên man, cứ như thể Khổng Minh đưa quân vào rừng bắt Mạnh Hoạch ấy…

Kính mong Rừng Già bao dung soi xét, rằng: sự bất lực của cơ quan chức năng, việc “con voi đã chui qua lỗ kim” ở Vườn quốc gia Tam Đảo nó thể hiện rất nhiều điều. Cái điều con muốn nhấn mạnh với mẹ Rừng trong lá thư này, chính là cái điều con đã nói mãi rồi mà không ai muốn nghe, hoặc có nghe họ cũng chưa bao giờ thực hiện. Rằng, người ta đã nửa vời, đã nói dối nhau trong các phương sách bảo vệ rừng già. Một bài toán thế này sẽ giúp Mẹ Rừng thấy bật ra được vấn đề: rừng ở Sơn La bị phá, chỉ có cán bộ hữu trách là không biết, chứ trẻ lên ba hay một du khách lần đầu có mặt ở xứ Thái hoa ban, họ cũng nhận ra. Những cái điều vi phạm pháp luật cứ diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, như ở chỗ không người. Rừng ở Quảng Nam bị chặt, đốt, kiểm lâm địa bàn bị tấn công phải cầm súng mà tháo chạy, cảnh ấy, tự nó đã bật ra câu trả lời, rằng chúng ta đã sai lầm ở khâu nào, rằng cứ với cung cách hiện nay, chỉ đến khi hết rừng thì cái thảm cảnh rừng bị tàn sát mà cán bộ bảo vệ rừng thì tỏ ra bất lực mới không còn. Vì sao rừng ở Mường Nhé bị thu hẹp tới 70% diện tích? Vì sao quy hoạch khu bảo tồn lớn nhất Việt Nam rồi họ không ra quyết định Thành lập (làm cơ sở để bảo vệ), không thành lập Ban quản lý giữ rừng? Vì sao nhiều nghìn người nhảy dù vào rừng mà biên phòng, công an, kiểm lâm, chính quyền cơ sở bất lực, để đến nỗi, một năm Mường Nhé phải bất đắc dĩ thành lập mới tới 39 cái bản ở miền rừng già vừa bị chính các cư dân bản mới…cạo trọc? Cái việc rừng cấm, rừng Quốc gia bảo vệ nghiêm ngặt bị đốn ngã la liệt, 19km đường xuyên qua vùng lõi Tam Đảo được mở trái phép, ai sẽ chịu trách nhiệm? Những câu hỏi giản dị kia thật khó trả lời, bởi chỉ cần trả lời xong, là những đứa con của bà mẹ rừng sẽ cùng nhận ra: họ đã nói dối Mẹ Rừng, họ chưa bao giờ thật sự mong muốn bảo vệ Lá Phổi của chính họ cả. Trên đây chỉ là vài vụ tàn sát rừng mà con là người trực tiếp điều tra, tố cáo, chỉ nội trong năm 2009 vừa qua, chứ thẳng thừng ra, trên dải đất này của chúng con, những điều vô lý trong bảo tồn thiên nhiên đang hằng ngày hằng giờ được đánh đổi bằng mạng sống của những cánh rừng và hoang thú – thì… nhiều lắm.

Dạ thưa Bà Mẹ Rừng, trăm thứ vô lý, trăm thứ kỷ lục buồn và trăm thứ “vì sao”, “trách nhiệm”… đổ cả lên đầu Mẹ. Vẫn phải nhắc lại, tất cả những vô lý và “trò hí tếu” đó, đều được đánh đổi bằng mạng sống của những cánh rừng. Vẫn phải nhắc lại (nữa): trong tất cả các loài sinh ra từ rừng, chỉ có duy nhất loài người là quay trở lại giết Rừng, đào tất gốc/ trốc tận rễ Cội Nguồn, Bầu Sữa Thiên Nhiên, Lá Phổi Xanh Kỳ Diệu của mình. Nửa già các loài trên thế giới này bước ra từ rừng và vẫn phải nương náu, u ấp vào Tay Nôi bà mẹ rừng để tồn tại, chỉ duy nhất loài người Giết Rừng, kể cả rắn độc và hổ dữ chúng nó cũng không làm như vậy.

Bài viết gốc của chị Đỗ Lãng Quân đăng trên blog của anh Đỗ Doãn Hoàng >>>

Vì bài trên blog chị không đăng ảnh, tôi lấy tạm của nhà ra đóng góp vậy.

HK PC 12 2009 086

HK PC 12 2009 207

HK PC 12 2009 294

HK PC 12 2009 348

HK PC 12 2009 350

HK PC 12 2009 363

HK PC 12 2009 375

HK PC 12 2009 380

HK PC 12 2009 382

HK PC 12 2009 391

HK PC 12 2009 388

Đừng tưởng ảnh chụp trong lâm trường khai thác nhé! Chụp trong Khu bảo tồn thiên nhiên đấy. Ảnh loại này nhiều lắm, dễ chụp lắm!